Thủy sơn là ngọn núi ở phía Bắc của quần thể Ngũ Hành Sơn, đây là ngọn núi lớn và đẹp nhất, thường được nhiều du khách đến viếng thăm và vãng cảnh.
Thủy Sơn nằm trên dãi đất rộng theo hướng Đông Bắc, khoảng 7 ha, cao 120m. Núi có 3 đỉnh nằm ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm sao Đại Hồng Tinh (tên dân gian gọi là sao Cày), nên còn có tên gọi là núi Tam Thai.
Du khách tham quan chùa chiền và hang động tại Thủy Sơn có thể đi bằng hai con đường: cổng phía Tây của núi gồm có 156 bậc tam cấp dẫn đến chùa Tam Thai hoặc lên cổng phía Đông gồm có 108 bậc dẫn lên chùa Linh Ứng, đa số du khách đều lên núi theo cổng phía Tây và đi xuống bằng cổng phía Đông.
Lối lên Thủy Sơn là những bậc đá tự nhiên, được sắp xếp theo hình bậc thang, có lan can hai bên cao khoảng 0.6m, độ rộng của đường đi khoảng từ 3m – 5m nên dù có nhiều đoàn khách lên xuống cùng lúc cũng dễ dàng. Bậc tam cấp có độ dốc thoai thoải, tổng chiều dài có độ cao chỉ khoảng 80m so với mực nước biển và du khách chỉ mất chừng 5 đến 10 phút để leo lên hết đoạn đường này. Sau đó, du khách bắt đầu tham quan các động và chùa trên một địa hình thoai thoải và tương đối bằng phẳng. Du khách đừng nên quá lo lắng cho việc mất sức khi leo núi vì suốt chiều dài của đoạn đường 156 tam cấp có nhiều chiếu nghỉ được đặt các ghế đá để du khách tạm dừng chân lấy sức trước khi tiếp tực lên đến chùa Tam Thai.
Ngọn Thủy Sơn là ngọn được vua Minh Mạng đến ngự du viếng cảnh nhiều nhất, Nhà Vua đã đến đây 3 lần vào các năm Minh Mạng thứ VI (1825), Minh Mạng thứ VIII (1827), và Minh Mạng thứ XVIII (1837). Ngay lần đến vãng cảnh đầu Nhà Vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam Thai và lối lên chùa Linh Ứng.
Ngọn cao nhất 106m ở phía Tây Bắc của Thủy Sơn gọi là Thượng Thai gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, khu nhà Hành Cung, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không và động Linh Nham, ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam gọi là Trung Thai gồm có Cổng Trời (Cổng Vân Căn Nguyệt Quật), động Vân Thông, động Thiên Long, động Thiên Phước Địa; ngọn phía Đông thấp nhất gọi là Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi và động Tàng Chơn.
Ngoài ra tại Thủy Sơn du khách có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt 2 di vật cổ quý hiếm, đó là bia cổ Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật tại động Hoa Nghiêm và tấm kim bài hình quả tim lửa có bút tích của Vua Minh Mạng ban tặng cho chùa Tam Thai.
VỌNG GIANG ĐÀI
Vọng Giang Đài hay gọi là đài ngắm sông nằm phía sườn Tây Nam của ngọn Thủy Sơn, là một điểm cao nhìn về sông Cẩm Lệ, Cổ Cò và có thể quan sát toàn cảnh các núi trong quần thể Ngũ Hành Sơn, đường dẫn lên Vọng Giang Đài nằm đối diện khu nhà thờ Tổ của chùa Tam Thai, lối lên hẹp với những bậc đá tự nhiên hơi quanh co. Đài ngắm sông có chu vi rộng khoảng 7m, chính giữa là một tấm bia cổ bằng đá Trà Kiệu cao khoảng 2m, rộng 1m và được dựng trên một đế đá lớn, trên bia có khắc 3 chữ Hán đọc là Vọng Giang Đài và những hàng chữ nhỏ nằm bên cạnh ghi ngày tháng dựng bia “Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật” (tức Minh Mạng ngày 18 tháng 7 ngày rằm năm 1837).
Đứng tại Vọng Giang Đài du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn bao quát cảnh bên dưới, làng đá mỹ nghệ nằm quanh chân các ngọn núi, xa xa là dòng Cổ Cò uốn khúc quanh co cùng đồng ruộng, bãi bồi tự nhiên đậm nét vùng quê, xa hơn là dãy Trường Sơn điệp trùng hùng vĩ… tạo nên một bức tranh thiên nhiên xinh đẹp.
Hiện nay, đài ngắm sông đã được xây dựng nhà tứ giác vừa để che mưa nắng cho du khách đứng ngắm cảnh vừa để bảo vệ tấm bia.
VỌNG HẢI ĐÀI
Vọng Hải Đài hay còn gọi là đài ngắm biển nằm ở phía sườn đông của đỉnh Hạ Thai, cạnh tháp Xá Lợi và chùa Linh Ứng. Vọng Hải Đài có chu vi rộng khoảng 7m, chính giữa có một tấm bia cổ bằng đá Trà Kiệu cao khoảng 2m, rộng 1m và được dựng trên một đế đá lớn, trên bia có khắc 3 chữ Hán đọc là Vọng Hải Đài, bên cạnh có khắc hàng chữ nhỏ “Minh Mạng thập bát niên cát nhật” (tức Mnh Mạng ngày 18 tháng 7 ngày rằm năm1837).
Đứng tại Vọng Hải Đài, du khách được thỏa sức ngắm cảnh trời biển bao la với bãi cát dài mịn bên dưới và ngoài khơi xa là đảo Cù Lao Chàm và xa hơn về phía Bắc là bán đảo Sơn Trà nhô mình ra biển…
“Vọng Giang Đài gió lộng dòng sông hát
Vọng Hải Đài triều dâng khói sóng bay”
CHÙA TAM THAI
Đi hết 156 bậc tam cấp phía Tây Nam ngọn Thủy Sơn, bạn sẽ gặp một ngôi chùa cổ kính với cổng Tam Quan rêu phong, đó là chùa Tam Thai. Chùa tọa lạc trên một khuôn viên bằng phẳng, có chu vi khoảng 200m.
Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu đời, theo Thư tịch và Bia ký ghi lại thì chùa dược xây dựng vào thời đô thị cổ Hội An mới hình thành, do Thiền sư Hưng Liên thuộc dòng thiền Tào Động của Trung Hoa đến trụ trì và lập đạo tràng từ trước những năm cuối thế kỷ 16. Năm 1825, chùa được Vua Minh Mạng phong Quốc tự, đến nay chùa đã trải qua 12 đời trụ trì.
Theo Hải ngoại Ký sự của Thích Đại Sáng, khách của Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), vào cuối thế kỷ 17, tức năm 1695 trên đường về Trung Quốc, ông đã ghé thăm chùa Tam Thai, như vậy có thể thấy chùa đã được xây dựng trước đó và được hình thành cách đây hơn 300 năm.
Cổng Tam Quan cổ kính rêu phong ở phía trước chùa gồm có 3 cổng, theo qui định thời phong kiến thì cổng chính giữa là cổng cao và trang trọng nhất chỉ để dành cho sư thầy đi, cổng bên trái dành cho người nam đi (nam tả), cổng bên phải dành cho người nữ đi (nữ hưu).
Trước đây chùa được làm bằng tranh, tre, nứa lá, đến năm 1825 khi Vua Minh Mạng vi hành đến núi Thủy Sơn đã cho xây dựng lại chùa bằng gạch ngói khang trang, phong Quốc tự và đặc tên là Tam Thai. Đến năm 1901, do một cơn bão lớn đã phá hủy toàn bộ ngôi chùa và mãi đến năm 1907 chùa mới được các phật tử đống góp xây dựng lại và tồn tại cho đến nay.
Cũng chính tại ngôi chùa này, công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng đã đến phát nguyện đi tu suốt đời, sau đó công chúa đến ẩn tu tại chùa Phổ Đà Sơn – nằm cạnh chân ngọn Hỏa Sơn. Trọng 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi gặp gỡ, họp mặt và bàn bạc việc quốc sự của các sĩ phu yêu nước của các phong trào: Cần Vương, Duy Tân, phong trào chống thuế và cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục như: Lê Bá Trinh, Huỳnh Bá Chánh, Nguyễn Duy Hiệu; là nơi hội họp, bàn việc của Đảng bộ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ)
Hiện nay, nhà chùa vẫn còn lưu giữ tấm kim bài hình quả tim lửa (được đặt tại bàn thờ phía sau điện thờ chính của chùa), đây là tấm kim bài có bút tích của vua Minh Mạng ban tặng, nội dung bút tích ca ngợi phật pháp từ bi vô lượng phổ độ chúng sanh. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ bức hoành phi do vua Minh Mạng trao tặng. Trong khuôn viên chùa hiện vẫn còn dấu tích và cổng của khu nhà hành cung, nơi lưu dấu một thời vua Minh Mạng và quan lại Triều Nguyễn đã từng ngự du viến cảnh tại đây và lập đàn cầu Quốc thái Dân an.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, chùa bị hư hỏng và bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh và thiên tai nên đã trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó có lần trùng tu quy mô và hoàn chỉnh nhất vào năm 1995. Mặc dầu đã trải qua nhiều lần trùng tu nhung chùa vẫn giư nguyên nét kiến trúc cổ của lăng tẩm và chùa tháp kinh thành Huế.
ĐỘNG HOA NGHIÊM
Rời bỏ sự u tịch và hương khói của chùa Tam Thai, men theo lối mòn bên hông nhà chùa và rẻ trái du khách sẽ gặp động Hoa Nghiêm.
Đây là một thạch động nhỏ, có Huyền Không Quan cổ kính, trầm mặc rêu phong, bên trong động có thờ Tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao lớn, điệp màu với núi đá có đôi mắt từ bi nhìn ra của động, tượng phật do nghệ nhân Nguyễn Chất của làng nghề đá mỹ nghệ tạo thành năm 1960.
Bên trái của Tượng Phật, trên vách động là tấm bia cổ Linh Trung Phật quý hiếm do nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640; Bia ghi lại việc trùng tu và tôn vinh công đức của các phật tử; trong đó có rất nhiều gia đình người Nhật Bản đến làm ăn từ phố cổ Hội An đã đến cúng công đức cho chùa.
ĐỘNG HUYỀN KHÔNG
Động Huyền Không là một trong những động lớn và đẹp nhất của ngọn Thủy Sơn và có thể nói rằng nếu ai đó đã từng đến Ngũ Hành Sơn mà chưa vào Động Huyền Không thì coi như người đó chưa biết Ngũ Hành Sơn.
Động Huyền Không nằm bên trong động Hoa Nghiêm, nói cách khác, muốn vào động Huyền Không du khách phải đi qua động Hoa Nghiêm. Động có hình dáng của một quả chuông lớn úp trên nền gạch Kim Thành bằng phẳng, rộng rãi và sạch sẽ, đỉnh động có nhiều lổ hổng tự nhiên mang theo ánh sáng và gió mát vào bên trong nên lòng động luôn mát mẻ và thoáng khí (do vậy động ở Ngũ Hành Sơn thuộc loại động mở, đây chính là điểm khác biệt với các động kín của Hạ Long và Phong Nha).
Muốn vào được trong động du khách phải đi qua hơn 20 bậc cấp sâu xuống phía dưới, nền động thấp hơn 5m so với nền động Hoa Nghiêm, chu vi của động rộng khoảng 25m, chiều cao từ đỉnh xuống nền động khoảng 16m. Tại cửa động là 4 bức tượng của 4 vị Kim Cang Hộ Pháp, đó là các vị thần Thiện và Ác cưỡi trên 4 con thú có diện mạo kỳ quái có nhiệm vụ gác cửa động. Chính giữa động ở trên cao thờ phật Thích ca cao 3m do nghệ nhân Nguyễn Chất thực hiện từ năm 1960, phía dưới tượng Phật Thích ca là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Vào sâu bên trong là Trang Nghiêm Tự cổ kính gồm có 3 gian, gian giữa thờ Phật Bà Quan Âm, gian bên trái thờ ba vị Quan Thánh (Quan Công, Quan Bình và Quan Châu Xương tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành), gian bên phải thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, là nơi để các đôi trai gái đến cầu duyên hoặc cho những người hiếm muộn đến cầu con hoặc cầu nuôi con khỏe mạnh chóng lớn.
Kế Trang Nghiêm Tự là Thạch Nhũ Cốc, du khách phải rọi đền mới nhìn rõ, bên trong là 2 thạch nhũ đổ xuống giống như một cặp nhũ hoa. Tương truyền chiếc bên trong thường nhỏ nước trong còn chiếc bên ngoài nhỏ nước đục giống như sữa mẹ, tuy nhiên khi vua Thành Thái đến đây làm lễ trai đàn cầu Quốc Thái Dân An đã vô tình sờ vào chiếc thạch nhũ bên ngoài nên chiếc này hiện nay không còn nhỏ nước nữa.
Bên trái động là đền thờ bà Ngọc Phi và Bà Lôi Phi. Bà Ngọc Phi hay còn gọi bà Chúa Tiên, rất linh thiêng, là nơi để du khách đến cầu tài lộc. Tương truyền, bà là vợ của Ngọc Hoàng Thượng Đế hiện thân xuống hạ giới chăm lo cho đời sống muôn dân, hằng năm cứ vào ngay 02 đến ngày 08/3 âm lịch thì người dân đến cúng và lể bái rất đông. Bà Lôi Phi hay còn gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn – cai quản núi rừng, là em gái bà Ngọc Phi thường được du khách đến cầu nguyện về sức khỏe và đi đường bình an.
Ẩn mình trên vách động còn có chiếc trống đá thiên tạo, nếu du khách úp lòng bàn tay và vỗ vào mặt trống sẽ tạo nên âm thanh vang dội cả vòm động. Lần bước theo sau ngôi đền nhỏ, nhìn lên vách động, du khách sẽ thấy nhũng hình thù hết sức kỳ thú được tạo nên từ những sắp xép của đá: chim hạc, chim Đà Điểu, con cò với chiếc mỏ dài, đầu con voi với chiếc vòi thả xuống, bàn tay cầm bó hoa dâng lên cao, khuôn mặt ông già giận dữ…
Có thể nói, vẻ đẹp của Huyền Không động khó bút mực nào tả hết được bởi sự kỳ diệu, huyền bí và hết sức quyến rũ với không gian huyễn hoặc. Ánh sáng xuyên qua màu xanh của cây cỏ từ đỉnh động chiếu xuống tạo nên vẻ đẹp lung linh huyền ảo, gặp lúc trời nắng to ánh sáng có màu vàng lấp lánh, đây cũng là thời điểm tạo nên những cảm hứng cho những tấm ảnh nghệ thuật của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nghiệp dư và cả không chuyên; vì thế đã có rất nhiều đoàn làm phim trong nước và nước ngoài đến quay phim ở đây (Đức, Mỹ, Hàn, Úc…). Có lẽ chính vì lẽ đó mà động đã có tên là Huyền Không. Nhà thơ Tản Đà khi đến thăm Huyền Không động đã cảm tác nên 2 câu thơ:
“Rủ nhau lên động Huyền Không
Bụi trần rủ sạch như không có gì”
Trong những năm kháng chiến chống Pháp động Huyền Không là căn cứ hoạt động bí mật của cán bộ lãnh đạo địa phương và du kích. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam, Mỹ ngụy đã biến Huyền Không động thành nơi huấn luyện biệt kích đồng thời cũng là nơi đồn trú của nhiều đơn vị Mỹ. Đến mùa xuân Mậu Thân năm 1968, bộ đội ta đã đánh bật chúng ra khỏi hang và đồng loạt tấn công nhiều căn cứ lân cận và sân bay Nước Mặn của Mỹ. Hang động sau đó đã trở thành Trạm giải phẩu và là nơi cất giấu thương binh của quân giải phóng.
Động Huyền Không còn là nơi ghi dấu những trận đánh oai hùng của quân dân Quảng Nam Đà Nẵng, trong đó tiêu biểu là trận đánh của anh hùng Phan Hành Sơn (tên thật là Phan Hiệp) vào rạng sáng ngày 23/8/1968 đã tiêu diệt hoàn toàn sinh lực địch và giành thắng lợi hoàn toàn. Sau trận đánh, tiểu đoàn 1 đã được Bộ chỉ huy quân giải phóng phong tặng Huân chương chiến công hạng nhất, Đại đội trưởng Phan Hiệp được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đổi tên thành Phan Hành Sơn.
CỔNG TRỜI ĐỘNG THIÊN PHƯỚC ĐỊA
Rời khỏi động Linh Nham, du khách sẽ đi qua hai cổng trời hay còn gọi là cổng Vân Căn Nguyệt Quật. Đây là những cổng đá tự nhiên rất đẹp, có một sự sắp đặt rất kỳ lạ của tạo hóa ở đây, 2 cổng trời nằm ở 2 phía Đông – Tây của ngọn Thủy Sơn tạo nên một không gian rộng, thoáng và tiểu cảnh nên thơ nằm trên con đường liên hoàn nối giữa hai ngôi chùa Tam Thai và Linh Ứng. Tại hai cổng trời luôn có gió mát mẻ quanh năm do gió từ biển đông thổi vào, gió từ trên miệng động Thiên Phước Địa cuộn xuống hoặc gió từ phía sông thổi đến, tốc độ gió thường xuyên thay đổi theo mùa, vì vậy, hai cổng trời này còn có tên là Hang Gió Đông và Hang Gió Tây. Ở khoảng giữa của 2 cổng có rất nhiều động: động Thiên Long, động Vân Thông, động Thiên Phước Địa. Đi qua hai cổng trời du khách có cảm giác như đang đi trong lòng hòn non bộ khổng lồ, mát mẻ và dể chịu, bao nhiêu mệt mỏi bổng chốc tan biến hết, chỉ còn tâm hồn phơi phới như muốn hòa mình vào thiên nhiên.
Động Thiên Phước Địa là động lộ thiên nằm trên mặt đất, được các vách núi bao bọc xung quanh, nền động cũng chính là lối đi cho du khách tham quan các tiểu cảnh, đi vào động Vân Thông và nhìn ngắm động Thiên Long cũng như đi đến các chùa. Miệng động mở rộng và không có vòm nên du khách thoải mái ngắm nhìn mây trời lượn lờ trôi ở phía trên.
ĐỘNG VÂN THÔNG
Một bên sát vách núi của động Thiên Phước Địa có một khoảng sân rộng bằng phẳng, băng qua hết khoảng sân này, du khách sẽ bắt gặp con đường tam cấp nhỏ hướng lên trên vào động Vân Thông.
Động Vân Thông mà lâu nay vẫn quen gọi là “Đường lên trời” do động nằm trên vách núi cao, lòng động hình ống, đỉnh động cao hơn miệng động 40m và du khách phải chen người trèo lên, có đoạn rất tối, quanh co, ghồ ghề và chỉ đủ một người qua lọt, tạo cho du khách cảm giác vất vả và kỳ bí khi lên trời. Lên đến đỉnh động, du khách sẽ cảm nhận được rằng sự vất vả mệt nhọc đã được đền đáp xứng đáng bởi giống như đã được lên “tới trời” và được hít thở không khí thoáng đãng, mát mẻ và thoải sức ngắm nhìn những cảnh đẹp nên thơ cùng với trời biển bao la bên dưới.
Động Vân Thông có thờ tượng Phật Adiđà và ngay phía sau lưng bàn thờ Phật là lối đi lên đỉnh trời. Để giúp cho mọi du khách, kể cả những du khách lớn tuổi hoặc sợ bóng tối được đứng trên đỉnh trời ngắm cảnh mà không phải vất vả leo trèo, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã cho khai phá và hoàn chỉnh lại con đường rộng hơn một mét với những bật tam cấp thoai thoải đi vòng phía bên ngoài động giúp đưa du khách lên đến đỉnh trời một cách nhanh chóng và thoải mái.
ĐỘNG THIÊN LONG
Động Thiên Long nằm bên trong động Thiên Phước Địa, cạnh cổng trời – Hang Gió Đông, động nằm sát vách núi và ăn sâu xuống lòng đất tạo hang sâu thẳm và không có đường đi xuống, du khách chỉ có thể đứng cạnh lan can và nhìn xuống động từ bên trên. Lòng hang vừa sáng, vừa tối có nhiều tảng đá nhấp nhô lớn nhỏ như miệng rồng nên có tên gọi là Thiên Long. Tuy nhiên, đáy động ăn thông với Hang Gió của động Tàng Chơn nằm sau chùa Linh Ứng nên du khách khi tham quan động thường thắc mắc rằng tại sao động không có lối đi xuống và đi xuống rất nguy hiểm nhưng lại có bóng và tiếng người rộn ràng ở đáy động, đó là do nhiều người đến tham quan Hang Gió của động Tàng Chơn đã trèo lên phía trên và gặp đáy của động Thiên Long, đó chính là sự thông thường kỳ lạ và tạo sự liên hoàn giữa các hang động trong ngọn Thủy Sơn.
ĐỘNG TÀNG CHƠN
Động Tàng Chơn nằm sau lưng chùa Linh Ứng. Tên gọi “Tàng Chơn” có nghĩa là chứa đựng tất cả chân lý của vũ trụ. Ngay tại cửa động ghi rõ 3 chữ: “Tàng Chơn Động”, lòng động như một thung lũng nhỏ dài khoảng 10m, rộng khoảng 7m, bên trong thoáng đãng nhờ có lỗ thông lên trời qua cửa Thiên Long Cốc tại Hang gió. Động chủ yếu thờ Phật Thích Ca và các vị Tiên Thánh.
Giữa động có miếu Tam Vị thờ 3 vị: chính giữa thờ Thái Thượng Lão Quân, bên phải thờ Bát Bộ Kim Cương và bên trái thờ Thượng Chiêm Thành. Trong động còn có 5 hang nhỏ gồm: hang Tam Thanh, Gió, Ráy (còn gọi là hang Adiđà), Chiêm Thành và Bàn Cờ.
Hang Tam Thanh thờ 3 vị thánh: Thượng Thanh, Trung Thanh, Hạ Thanh, được phát hiện vào đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng, do thiền sư Bửu Đài phát hiện. Hiện nay, tượng các vị thánh không còn nữa và được thay vào đó là tượng Phật Thích Ca cao lớn, phía sau là tượng Phật nằm. Bên phải hang Tam Thanh là hang gió và bên trái là hang Chiêm Thành.
Hang Chiêm Thành có hình bán nguyệt, rộng 3m, đường hang tối và ghồ ghề, trong hang có 2 tác phẩm điêu khắc đá 2 vị hộ pháp bằng đá sa thạch (dài 0.9m) theo phong cách nghệ thuật Chăm, tượng được chạm trổ công phu, điều này chứng tỏ người Chăm có mặt tại đây và thờ Phật từ rất sớm.
Hang gió có lỗ hổng tự nhiên ăn thông với động Thiên Long mang gió và ánh sáng vào bên trong. Hang Bàn Cờ còn nguyên bàn cờ tiên bằng đá ghi dấu tích đánh cờ của các vị tiên thánh ngày xưa.
CHÙA LINH ỨNG
Chùa Linh Ứng được xây dựng vào những năm nữa đầu thế kỷ 17 với chu vi khoảng 150m, chùa nằm trên sườn đông của đỉnh Hạ Thai thuộc hòn Thủy Sơn, tựa lưng vào vách núi, xoay mặt ra biển.
Về sự ra đời của ngôi chùa, theo tương truyền có vị Tiền Hiền hiệu Quang Chánh, thế danh Bửu Đài sống ở làng Khái Đông thuộc xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn ngày nay, đã đến ẩn tu tại động Tàng Chơn và lập ra một thảo am trước động gọi là ” Dưỡng Chơn Am”, sau đó ông sửa thành một ngôi chùa bằng tranh tre gọi là ” Dưỡng Chơn Đường ” và ngôi chùa tranh này là tiền thân của chùa Linh Ứng ngày nay.
Vua Gia Long trong một lần ngự du viếng cảnh ở Ngũ Hành Sơn, đã đến thăm và cho xây dựng lại chùa lớn hơn và đặt tên là “Ngự Chế Ứng Chơn Tự”. Đến năm 1825, vua Minh Mạng vi hành đến Ngũ Hành Sơn đã cho xây dựng lại chùa bằng gạch ngói khang trang hơn, sắc phong Quốc Tự cho chùa và đổi tên “Ngự Chế Ứng Chơn Tự” thành “Ứng Chơn Tự”. Đến thời vua Thành Thái năm thứ 14 – năm 1903, đích thân nhà vua ngự giá đến Ngũ Hành Sơn, thăm chùa Tam Thai và Ứng Chơn Tự, tại đây vua đã tổ chức lễ trai đàn cầu Quốc thái Dân an, xét thấy chữ “Chơn” đã phạm húy nên đổi “Linh Ứng Tự” và tên này được giữ nguyên cho đến nay.
Cũng giống chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng qua năm tháng đã bị hư hỏng nhiều bởi chiến tranh và thiên tai, chùa đã qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1985 nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính. Hiện nay, chùa còn giữ hai bảng vàng của vua Minh Mạng và vua Thành Thái ban tặng (Ngự Chế Ứng Chơn Tự Minh Mạng lục niên và Cải Chế Linh Ứng Tự Thành Thái tam niên).
Linh Ứng Tự thờ Phật Thích Ca lớn ngay chánh điện, gian bên trái thờ Phổ Điền Bồ Tát./.
Nguồn: Tài liệu hướng dẫn – thuyết minh Ngũ Hành Sơn