Ngũ Hành Sơn – Non Nước là danh lam thắng cảnh nổi tiếng với những truyền thuyết lịch sử và điển tích Phật giáo, nơi lưu giữ những di vật, cổ vật từ thế kỷ XV – XIX như: chuông đồng, tượng đồng, tấm kim bài vua ban, khánh đá, liễn đối, các bức hoành phi, các tượng Chămpa bằng đá sa thạch, các công trình kiến trúc di tích…rất có giá trị về mặt văn hóa lịch sử.
Nhằm ghi lại vị trí, địa danh, danh xưng, các vị sư trụ trì tại các chùa cũng như các vua quan nhà Nguyễn cũng đã để lại một số văn bia và ký tự bằng chữ Hán được khắc trên đá tại quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Các văn bia cổ và các ký tự với những đường nét tỉ mỉ, công phu, có tính nghệ thuật cao, bên cạnh có những dòng chữ nhỏ ghi lại niên đại của các thời vua trị vì, ghi đậm dấu ấn thời gian, tồn tại trong lòng một di tích qua bao thế kỷ.
I.Văn bia:
Bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật”:
Bia có kích cỡ (59 x 96cm), được Thiền sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn, hiện đặt tại động Hoa Nghiêm trên ngọn Thủy Sơn.
Theo bản dịch của Giáo sư Lê Trí Viễn, văn bia do thiền sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn (1640) ghi lại danh sách 53 tín hữu đã phụng cúng hàng ngàn quan tiền, hàng chục lạng bạc nén và hàng trăm cân đồng để xây dựng chùa Bình An trên ngọn Thủy Sơn (trước kia có tên là Phổ Đà Sơn). Những người hiến cúng, ngoài người Việt ở Đà Nẵng, Hội An còn có người Trung Hoa, các thương nhân Nhật Bản lập dinh sinh sống tại Hội An. Văn bia được xem là một trong những bi ký cổ nhất và có giá trị lịch sử, văn hóa trên vùng đất Ngũ Hành Sơn.
Ngày 23-2-2010, các thiền sư chùa Jomyo thuộc vùng Nagoya (Nhật Bản), lớp hậu duệ của các Phật tử, thương nhân từ các thế kỷ trước đây đã đến thăm Đà Nẵng và Ngũ Hành Sơn để trao tặng chùa Tam Thai phiên bản bức tranh cổ “Thác Kiến Quán Thế Âm”, bức tranh vẽ tượng Phật nổi tiếng, trước đây là món quà của An Nam Quốc Vương thỉnh từ chùa Tam Thai tặng cho thuyền Châu Ấn của dòng họ thương nhân Chaya (Nhật) khi thuyền đến Hội An cách đây 400 năm.
Những bằng chứng trên xác minh rằng, ngay từ thế kỷ XVII đã có nhiều thương thuyền Nhật Bản cập bến làm ăn buôn bán tại Hội An tạo nên mối quan hệ giao lưu kinh tế – văn hóa giữa hai nước, đặc biệt là sự giao kết giữa người dân hai vùng Quảng Nam – Đà Nẵng và vùng Nagaya (Nhật Bản) từ 4 thế kỷ trước.
Bia “Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật diệt lạc”:
Bia này cũng do Thiền sư Huệ Đạo Minh lập thành vào tháng 10 Tân Tỵ (1641), sau bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” một năm, được khắc ở động Vân Thông.
Về hình thức trang trí, bia “Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật diệc lạc” có khác hơn so với bia “Phổ Đà Sơn Trung Linh Phật. Trên đầu bia được trang trí hình mái chùa, trên mái chùa có hai đường móc cong . Phía dưới được trang trí 8 khung hình vuông, mỗi khung được khắc một đại tự (Ngũ – Uẩn – Sơn – cổ – tích – Phật – diệc – lạc). Lòng bia có 14 dòng, dòng có số chữ nhiều nhất là 20 chữ. Khi đối chiếu với văn bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật”, bia này trang trí có nhiều chỗ khác nhau, nhưng những họa tiết và mẫu tự thì vẫn giống nhau và đều do Thiền sư Huệ Đạo Minh lập.
Nội dung bia ghi lại lời phát nguyện của Thiền sư Huệ Đạo Minh sau khi hoàn thành việc trùng tu các chùa trên ngọn Thủy Sơn, như sau:
“Nguyện việc thờ Phật không bao giờ ngưng dứt, nguyện Phật thương xót chúng sanh và dìu dắt loài người vào thế giới cực lạc.
Nguyện Tam thế Phật soi sáng cho ta, giúp ta thực hiện giấc mộng đi vào lạc thổ của Ngài.
Ta quyết thực hiện giáo lý với tất cả nhiệt tâm tín ngưỡng, bất cứ lúc nào miệng ta cũng tụng niệm thánh danh của Phật và tư tưởng của ta luôn hướng về Ngài.
Khẩn thiết, ta cầu mong Đức Phật tế độ cho ta trong cuộc hành trình qua biển đời mênh mông, nguyện những tội lỗi được tiêu từ, những việc làm thiện từ nay sẽ thay thế vào ác nghiệp, nguyện hạnh đức của ta không có điều gì đáng trách và giờ phút lâm chung của ta, ta không thể có điều gì để phải đau khổ, hối tiếc. Ta sẽ bước vào thánh địa, các vị thánh nhân sẽ cầm lấy tay ta và đức Phật cũng đi đến với ta. Quy y với Ngài, ta nguyện hoàn thành sứ mạng của Ngài và ta mượn những thành quả đã để tung rải việc làm quanh Ngài”.
Bia cổ trên vách động Tàng Chơn:
Trên vách động Tàng Chơn có hai văn bia cổ, nhưng rất tiếc những dòng chữ trong lòng bia bị xóa mờ do thời gian nên hiện nay không còn đọc được nữa. Qua trình bày trang trí và dấu tích còn lại, văn bia này có thể khắc cùng với hai văn bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật ” tại động Hoa Nghiêm và bia “Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật diệt lạc” tại động Vân Thông.
Bia “Vọng Giang Đài” và “Vọng Hải Đài”:
Trên ngọn Thủy Sơn – Ngũ Hành Sơn có hai địa điểm ở tầm cao để nhìn sông và nhìn biển. Điểm phía Tây nhìn sông gọi là Vọng Giang Đài, điểm phía Đông nhìn biển gọi là Vọng Hải Đài.
Tại hai vị trí này vua Minh Mạng đã cho đặt hai tấm bia bằng chất liệu đá sa thạch, có kích cỡ bằng nhau (1m x 2m), ở giữa lòng bia có 03 chữ Vọng Giang Đài (Đài ngắm sông) và tấm kia là Vọng Hải Đài (Đài ngắm biển), bên dưới lòng bia, phía trái có một dòng chữ nhỏ, ghi niên đại lập bia: “Minh Mạng thập bát niên – thất nguyệt – cát nhật” (nghĩa là vua Minh Mạng thứ 18, vào tháng 7, một ngày tốt).
II. Ký tự:
“Thủy Sơn”: kích cỡ (40cm x 40cm) chạm khắc rất sắc nét trên một tảng đá cao, có mặt phẳng đứng, lối lên đường cấp gần đến chùa Tam Thai nhằm ghi địa danh ngọn Thủy Sơn.
“Dương Hỏa Sơn”: kích cỡ (40cm x40cm) được khắc trên ngọn Hỏa Sơn (Hỏa Sơn có 2 ngọn; Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn), chữ khắc rất sắc nét trên một vách đá cao của đỉnh Dương Hỏa Sơn.
“Huyền Không động”, kích cỡ (30cm x30cm), sơn màu vàng, được khắc trên cao, bên cạnh tượng Phật Thích Ca trong động Huyền Không.
“Động Thiên Phước Địa”, kích cỡ (40cm x40cm) được khắc trên đỉnh hang gió Tây (cổng vào phía Tây của động Thiên Phước Địa).
“Vân Nguyệt Cốc”, và “Thiên Long cốc” có nghĩa là động để ngắm gió trăng và động Rồng thiêng, kích cỡ (40cm x40cm) được khắc trên vách đá trong lòng động Thiên Phươc Địa.
“Tàng Chơn động” kích cỡ (40cm x40cm) được khắc trên vách đá, phía tay trái lối vào động Tàng Chơn.
“Vân Thông động”, kích cỡ (40cm x40cm) khắc bên trong lòng động Vân Thông (lối lên trời).
Các văn bia cổ và các ký tự được nhà chùa và các vua quan nhà Nguyễn cho khắc trên các vách đá tại thắng tích Ngũ Hành Sơn có giá trị nhất định về mặt lịch sử, qua đó thấy được ý nghĩa tôn vinh vẽ đẹp danh thắng cũng như biểu thị sự sùng bái tín ngưỡng đối với đạo Phật của người Việt từ các thế kỷ trước.
Bảo vệ, gìn giữ nguyên mẫu các văn bia và các ký tự tại danh thắng Ngũ Hành Sơn không những là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi chúng ta, của cộng đồng xã hội./
Tổ Quảng bá du lịch
BQL khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn