Qua khảo sát và tiếp cận với các tộc họ tại Ngũ Hành Sơn, thì tộc họ nào cũng cho tổ mình là “bậc khai sáng làng đá mỹ nghệ Non Nước”. Nhưng qua sưu tầm nghiên cứu, chúng tôi được biết rằng vào khoảng thế kỷ XVII, người có công đầu khai sáng làng nghề nổi tiếng này là ông Huỳnh Bá Quát – vị cao tổ nhiều đời của quan Đô ngự sử Huỳnh Bá Chánh, Tán tương quân vụ Nghĩa hội Quảng Nam.
Mỗi lần chế tác tượng, những người thợ đá Non Nước
lại nhớ đến công ơn của người đầu tiên khai sáng làng nghề. (Ảnh: V.T.L)
Huỳnh Bá Quát am tường nghề truyền thống do tổ nghiệp truyền dạy. Vì thế, khi từ Thanh Hóa vào định an sở nghiệp dưới chân núi Non Nước vào nửa đầu thế kỷ XVII, nhận thấy đây là cụm núi đá cẩm thạch, ông bèn ra công khai thác, rồi đục đẽo thành những tấm bia mộ, chế tác cối xay, chày và cối giã tiêu, giã thuốc Bắc, hoặc làm những hòn đá chì cung cấp cho ngư dân quanh vùng. Nhận thấy nghề đá này đem lại nguồn lợi trong lúc nông nhàn, ông bèn truyền dạy nghề cho con cháu trong gia đình và những người thân cận trong vùng.
Chẳng bao lâu sau, nghề đục đẽo đá này phát triển khá nhanh đến nỗi dưới triều nhà Nguyễn, nhằm ngăn chặn việc khai thác đá quy mô làm mất đi danh thắng Ngũ Hành Sơn, các đời vua Gia Long, Minh Mạng và Tự Đức đều có sắc chỉ cấm cư dân làng Quán Khái khai thác đá làm thủ công điêu khắc bán ra ngoài tỉnh và xuất khẩu sang các nước khác, chỉ được phép khai thác đá làm bia mộ nhỏ lẻ cung cấp trong vùng. Quán Khái là tên làng dưới chân núi Non Nước, lúc đó thuộc huyện Hòa Vang, xứ Quảng Nam.
Có thể nói, gần như hầu hết các văn bia thuộc địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng, từ đầu thế kỷ XVII cho đến sau này đều do thợ đá thủ công Non Nước điêu khắc. Nổi bật trong số đó có văn bia cổ dựng ở chùa Phổ Khánh, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, được lập vào năm Mậu Ngọ (1678) đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3; Văn bia chùa Long Thủ, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, lập năm Quý Dậu (1693) đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa 14. Văn bia cử nhân Lê Tấn Toán, thầy của Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn; Văn bia Tú tài tại Quế Sơn…
Về nhân vật Huỳnh Bá Quát, như đã đề cập ở trên, nhằm sáng tỏ sự nghiệp của ông đối với làng đá mỹ nghệ Non Nước, xin dẫn nội dung văn bia được chư tộc phái làng Quán Khái (bổn xã) đã cùng với thân tộc Huỳnh Bá dựng vào năm Canh Tuất (1850), niên hiệu Tự Đức thứ 3, để tưởng niệm tiền nhân đã có công đầu sáng tạo và gầy dựng nên làng điêu khắc đá.
Chính giữa văn bia ghi: “Hoàng triều, Thạch tượng Quán Khái xã, tiền hiền Huỳnh Bá tộc Thỉ khai”, nghĩa là “Triều vua (ám chỉ triều Nguyễn), người mở đầu điêu khắc đá xã Quán Khái là bậc tiền hiền của tộc Huỳnh Bá”.
Hai chữ “Thỉ (còn đọc là thủy – ĐNCT) khai” được lấy từ sách Hán thư bởi thành ngữ “Thỉ sáng khai cương”, tức là người mở đầu tạo lập một vùng đất hay một ngành nghề nào đó. Các vị tiền hiền khẩn điền kiến bộ, quy dân lập ấp cũng thường được thờ tại các đình làng bằng 4 chữ “Thỉ sáng khai cương”, hoặc chỉ bằng hai chữ “Thỉ khai”. Các vị tổ sư ngành nghề cũng được tôn thờ như thế tại đền thờ tổ nghề hay tại lăng mộ.
Rõ ràng xét qua nội dung văn bia do xã Quán Khái cùng tộc Huỳnh Bá phụng lập, có thể thấy rằng: Thạch tượng tiền hiền Huỳnh Bá Quát là tiền bối mở đầu khai sáng làng đá mỹ nghệ Non Nước.
Hậu duệ của ông là Huỳnh Bá Chánh, nhân dân vùng Ngũ Hành Sơn thường gọi là Cụ Ngự Quảng Cái (đọc trại từ Quán Khai), một nhân vật trọng yếu trong Nghĩa hội Cần Vương Quảng Nam (1885-1887). Khi Tân Tỉnh bị quân Pháp đánh chiếm, Huỳnh Bá Chánh lui về Phước Sơn và khi Cần Vương tan rã, ông bị bắt. Không chịu khuất phục, ông bị chém ở Bến đò Chợ Củi.
Hiện nay, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã vươn tới đỉnh cao nghệ thuật, không chỉ điêu khắc văn bia mà còn tạo tác các tượng đài, các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa, các linh vật Long, Lân, Quy, Phượng, các Phật Thánh Tiên Thần mang tính chất văn hóa tín ngưỡng tâm linh, tại các đền, chùa, lăng, miếu. Tạo tác khá phong phú các hình tượng, cảnh vật của tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông, hay mai, lan, cúc, trúc…
Làng đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn lan tỏa khắp các châu lục qua hàng hóa xuất khẩu và ưa thích của du khách các nước mỗi khi đến Đà Nẵng, có dịp tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có một sự quan tâm, đối đãi đúng tầm của cơ quan chức năng thành phố đối với vị tổ sư khai sinh ngành nghề mỹ nghệ nổi tiếng này./.
LÊ DUY ANH
(Trích Báo Đà Nẵng cuối tuần số 3940)