NHÌN TỪ LÀNG NGHỀ ĐÁ NON NƯỚC

Phát triển làng nghề là hướng đi chiến lược để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là trong diện giải tỏa, di dời. Tuy nhiên, hiện nay nhiều làng nghề đang “chết dần” do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là một trong số ít làng nghề đang ngày càng phát triển với thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Sản phẩm làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước ngày càng đa dạng mẫu mã, chủng loại.

Đi dọc những con đường như Lê Văn Hiến, Huyền Trân Công Chúa…, những cơ sở điêu khắc, cửa hàng đá mỹ nghệ nằm san sát, trải dài với đủ các mặt hàng đá được gia công một cách tinh xảo. Nổi bật là tượng các loại với đủ kiểu dáng được điêu khắc từ đá. Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước với lịch sử hình thành cách đây hơn 400 năm, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, các sản phẩm điêu khắc đã vượt khỏi tầm quốc gia, vươn ra thế giới. Hiện làng nghề có khoảng 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ, giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động, đặc biệt là nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Thu nhập của làng nghề gần 80 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 27% thu nhậpcủa toàn quận. Chủ cơ sở điêu khắc Nguyễn Hùng cho biết: “Những ngày cao điểm bán được vài chục đến vài trăm triệu đồng tiền hàng”.

Để đạt được điều đó là nhờ địa phương đã làm tốt công tác xúc tiến thương mại. Nằm cạnh thắng cảnh Ngũ Hành Sơn độc đáo, làng nghề đã tận dụng lợi thế này để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cho khách du lịch trong và ngoài nước. Và những sản phẩm tuyệt đẹp, độc đáo riêng biệt của làng nghề nằm trong ba lô du khách đi khắp mọi miền, đưa tiếng tăm của làng nghề ngày một vang xa. Không chỉ vậy, các chủ cơ sở trong làng còn chủ động ký hợp đồng với các tour du lịch lữ hành để đưa du khách đến tham quan làng nghề ngày một nhiều hơn. Phải nói rằng, mỗi cơ sở đá mỹ nghệ đều đã tạo được không gian nghệ thuật riêng có, độc đáo với các tác phẩm bằng đá từ con người đến cầm thú sinh động và tinh xảo. Người nghệ nhân bằng bàn tay khéo léo đã làm sống dậy nét hoang sơ, thổi hồn vào đá làm say lòng du khách. Hiện nay, các chủ cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ như: Nguyễn Hùng, Xuất Ánh, Tiến Hiếu… đã biết quảng bá sản phẩm trên các trang web của riêng mình. Chủ cơ sở Xuất Ánh cho biết: “Từ khi có trang web riêng, nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết và tìm đến tận nơi. Chúng tôi cũng đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng gửi đến từ các nước”. Bên cạnh đó, các hộ trong làng nghề còn tăng cường tiếp cận thị trường trong và ngoài nước thông qua triển lãm, hội chợ… nhằm giới thiệu sản phẩm. Ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết: “Trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội sắp đến, chúng tôi sẽ trưng bày sản phẩm tại 6 quầy hàng với đủ các loại đá mỹ nghệ để quảng bá đến bạn bè gần xa”. Đặc biệt, hằng năm, cứ đến ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, các hoạt động lễ hội giỗ tổ lại được tổ chức quy mô tại làng nghề, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhẩm tính, mỗi năm, làng nghề đá Non Nước tạo ra hàng trăm mẫu chế tác đá khác nhau phục vụ nhu cầu của khách hàng. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, làng nghề còn nhập về các loại đá thạch anh, đá ngọc từ Brazil, Ấn Độ, Paskistan… Đủ các loại mẫu mã hàng từ dễ đến khó, làng nghề đều đáp ứng được. Nếu như trước đây, làng nghề chủ yếu chỉ sản xuất các sản phẩm có kích thước nhỏ thì nay đã chế tác được những bức tượng trên 300 tấn. Đặc biệt, thợ làng nghề không chỉ làm theo kiểu truyền thống cha truyền con nối mà còn được đào tạo ở các trường mỹ thuật nên tay nghề ngày một nâng cao. Non Nước là một trong số ít nơi xây dựng được logo chung cho làng nghề. Từng sản phẩm của làng nghề đang được dán nhãn công nhận chất lượng, khẳng định uy tín trên thương trường.

Bài và ảnh: MAI PHƯƠNG
Theo báo Đà Nẵng số 3993