Trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, Kim Sơn là ngọn núi nằm ở phía Tây, theo vị trí hà đồ của Âm Dương Ngũ Hành: Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ, được biết đến với lễ hội Quán Thế Âm tổ chức hằng năm vào 19/2 Âm lịch, là một trong 15 lễ hội dân gian cấp Quôc gia.
Thế núi thẳng đứng, nằm cạnh bên dòng sông Cổ Cò (Trường Giang) uốn khúc, mềm mại. Bên kia sông là đồng ruộng, bãi bồi, làng mạc. Hình ảnh con trâu, đồng lúa chín vàng, mái chèo khua sóng trên sông đến những cánh diều tuổi thơ bay lượn trên bầu trời… là nét chấm phá còn lại của một vùng quê trong quá trình đô thị hoá.
Giữa một thành phố đang từng ngày vươn lên trong xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nên chăng giữ lại một khoảng không gian thoáng đãng, tĩnh lặng này để con người đến đây có những phút giây quên đi những điều trần ai, thế tục, hoà mình với thiên nhiên, với cửa Phật, để nội tâm quay về với những điều bình yên, hướng thiện.
Dưới ngọn Kim Sơn, qua hàng triệu năm kiến tạo và dấu mình trong lòng núi một hang động đẹp, mãi đến năm 1956, Hoà Thượng Thích Pháp Nhãn mới có cơ duyên phát hiện ra động này:
Ngũ Hành có núi Kim Sơn
Có chùa tĩnh lặng bên sông Cổ Cò
Bàn tay tạo hoá điểm tô
Quan Âm thạch động, vọng chuông kinh cầu. (Lê Văn Hòa)
Động Quan Âm là một trong những hang động rất khó phát hiện so với các hang động khác, nằm dưới chân núi, miệng hang quay về hướng Tây Nam, phía ngoài miệng hang có một vách đá che kín như cố tình lấp đậy, ngụy trang để con người khó phát hiện.
Đường vào cửa động, hai bên vách đá dựng đứng, miệng hang nhỏ có hướng đi xuống, âm so với mặt đất, càng vào sâu càng có cảm giác mát lạnh. Vào phía bên trong, động lớn dần, phình ra có hình thù như hạt lúa giống khổng lồ đang nẩy mầm. Chiều dài hang động 64m, rộng khoảng 5-7m, cao 7m.
Động Quan Âm là động kín so với với đa số động mở trong quần thể Ngũ Hành Sơn. Động này có nhiều thạch nhũ hơn, thạch nhũ ở đây có màu sắc, hình thể đa dạng, đường nét rõ ràng, sắc sảo, tưởng chừng như có bàn tay của nghệ nhân tác tạo. Khi mới vào cửa động, điểm nhấn đầu tiên là bức tượng ngài Bồ Tát Quan Thế Âm cao như người thật với lớp áo kim tuyến lấp lánh, kết tinh từ loại đá kim sa quí hiếm của thiên nhiên, tay cầm bình Cam lồ, mắt nhìn về phía cuối động. Dưới chân bức tượng có hình một con rồng tự nhiên uốn lượn trong điển tích Quan Âm Nam Hải, cỡi rồng, vượt cơn sóng dữ không ngại khó khăn cứu người gặp nạn. Phía sau có Thiện Tài Đồng Tử, bụi trúc, phía trước có chim Khổng tước, hợp với điển tích Quan Âm Thị Kính ở Việt Nam. Do hình tượng tự nhiên trên mà nhà sư Thích Pháp Nhãn đã đặt tên động và chùa là Quán Thế Âm.
Trên các vách động, thạch nhũ tạo ra những hình tượng kỳ lạ, thú vị, nào là Tiên ông đang thản nhiên đánh cờ, nào là những chú hưu cao cổ trong rừng sâu núi thẳm …, tất cả đều kết tinh bằng đá nhưng hiện hữu trước mắt ta như một bức tranh rất thực.
Giữa trần động, cách mặt đất khoảng 0,3m một thạch nhũ dài thòng xuống, khi gõ vào âm thanh tạo ra như tiếng chuông thật, (đây là một thạch nhũ đặc biệt quý hiếm tại hang động Ngũ Hành Sơn), kế bên còn có cả trống và mỏ đá tự nhiên. Những khí cụ trên được gọi là bộ nhạc lễ của nhà Phật .
Lần vào cuối động, không gian khép lại làm cho ta có cảm tưởng đây là đoạn kết của động. Nhưng thực tế, khi vượt qua khoảng 2m, không gian lại mở ra một lần nữa với một hồ nước lớn, mát lạnh trong lành, dòng nước thẩm thấu từ mạch sông Cổ Cò, thanh lọc qua lớp đá cẩm thạch nên rất tinh khiết. Từ sự tinh khiết này, người ta mường tượng đến dòng nước Cam Lồ được ơn trên ban phát, dòng nước bắt nguồn từ tình thương của mỗi tâm hồn tưới lên vạn vật, từ tình thương của Mẹ (Quan Âm) tưới lên sự sống chúng sinh…
Nhờ phát hiện này, chùa Quan Âm được mọi người biết đến nhiều hơn. Chùa và động ở Ngũ Hành Sơn có mối quan hệ tương quan “Chùa làm cho động có sinh khí, động lại làm cho chùa thêm linh thiêng” và cũng từ đấy lễ hội Quán Thế Âm Non Nước – Ngũ Hành Sơn được hình thành. Đây là một lễ hội tâm linh, tín ngưỡng, hoà quyện cùng bản sắc văn hoá dân tộc, đầy tính nhân văn sâu sắc.
Động Quan Âm với đặc thù thiêng liêng, kỳ bí, có ý nghĩa tâm linh nhất định đối với đạo Phật, đối với lễ hội Quán Thế Âm và đã được thiên nhiên công bằng phân bổ hài hoà, hợp lý dành cho quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn để nơi nào có động thì nơi đó có chùa.
Nếu không có động Quan Âm thì không có chùa Quan Âm, không có lễ hội Quán Thế Âm. Ngũ Hành Sơn sẽ thiếu đi sự trọn vẹn./.
Lê Văn Hòa
BQL khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn