Động Huyền Không là một trong những động lớn và đẹp nhất của ngọn Thủy Sơn và có thể nói rằng nếu ai đó đã từng đến Ngũ Hành Sơn mà chưa vào động Huyền Không thì coi như người đó chưa biết Ngũ Hành Sơn.
Động Huyền không nằm phía bên trong của động Hoa Nghiêm, nói cách khác, muốn vào động Huyền Không du khách phải đi qua động Hoa Nghiêm. Động có hình dáng của một quả chuông lớn úp trên nền gạch Kim Thành bằng phẳng, rộng rãi và sạch sẽ, đỉnh động có nhiều lổ hổng tự nhiên mang theo ánh sáng và gió mát vào bên trong nên lòng động luôn mát mẻ và thoáng khí (do vậy động ở Ngũ Hành Sơn thuộc loại động mở, đây chính là điểm khác biệt với các động kín của Hạ Long và Phong Nha).
Muốn vào được trong động du khách phải đi qua hơn 20 bậc cấp sâu xuống phía dưới, nền động thấp hơn 05m so với nền động Hoa Nghiêm, chu vi của động khoảng hơn 25m, chiều cao từ đỉnh xuống nền động khoảng 16m. Tại cửa động là 04 bức tượng của 04 vị Kim Cang Hộ Pháp, đó là các vị thần Thiện và Ác cưỡi trên 04 con thú có diện mạo kỳ quái có nhiệm vụ gác cửa động. Chính giữa động ở trên cao thờ Phật Thích ca cao 03m do nghệ nhân Nguyễn Chất thực hiện từ năm 1960, phía dưới tượng Phật Thích ca là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Vào sâu bên phải là Trang Nghiêm Tự cổ kính gồm có 03 gian, gian giữa thờ Phật Bà Quan âm, gian bên trái thờ 03 vị quan Thánh (Quan Công, quan Bình và Châu Xương tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành), gian bên phải thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, là nơi để các đôi trai gái đến cầu duyên hoặc cho những người hiếm muộn đến cầu con hoặc cầu nuôi con khỏe mạnh chóng lớn.
Kế Trang Nghiêm Tự là Thạch Nhũ Cốc, du khách phải rọi đèn mới nhìn rõ, bên trong là 02 thạch nhũ đổ xuống giống như một cặp nhũ hoa. Tương truyền chiếc bên trong thường nhỏ nước trong còn chiếc bên ngoài nhỏ nước đục giống như sữa mẹ, tuy nhiên khi vua Thành Thái đến đây làm lễ trai đàn cầu Quốc Thái Dân An đã vô tình sờ vào chiếc thạch nhũ bên ngoài nên chiếc này hiện nay không còn nhỏ nước nữa.
Bên trái động là đền thờ bà Ngọc Phi và bà Lôi Phi. Bà Ngọc Phi hay còn gọi bà Chúa Tiên, rất linh thiêng, là nơi để du khách đến cầu tài cầu lộc. Tương truyền, bà là vợ của Ngọc Hoàng Thượng Đế hiện thân xuống hạ giới chăm lo cho đời sống muôn dân, hằng năm cứ vào ngày 02 đến ngày 08/3 âm lịch thì người dân đến cúng và lễ bái rất đông. Bà Lôi phi hay còn gọi là bà chúa Thượng Ngàn – cai quản núi rừng, là em gái của bà Ngọc Phi thường được du khách đến cầu nguyện về sức khỏe và đi đường bình an.
Ẩn mình trên vách động còn có chiếc Trống đá thiên tạo, nếu du khách úp lòng bàn tay và vỗ vào mặt trống sẽ tạo nên âm thanh vang dội cả vòm động. Lần bước theo sau ngôi đền nhỏ, nhìn lên vách động, du khách sẽ thấy những hình thù hết sức kỳ thú được tạo nên từ những sắp xếp tự nhiên của đá: chim hạc, chim Đà Điểu, con cò với chiếc mỏ dài, đầu con voi với chiếc vòi được thả xuống, bàn tay cầm bó hoa dân lên cao, khuôn mặt ông già giận dữ…;
Có thể nói, vẻ đẹp của Huyền Không động khó bút mục nào tả hết được bởi sự kỳ diệu, huyền bí và hết sức rũ với không gian huyễn hoặc. Ánh sáng xuyên qua màu xanh của cây cỏ từ đỉnh động chiếu xuống tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, gặp lúc trời nắng to ánh sáng có màu vàng lấp lánh, đây cũng là thời điểm tạo nên cảm hứng cho những tấm ảnh nghệ thuật của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nghiệp dư và cả không chuyên; vì thế đã có rất nhiều đoàn làm phim trong nước và nước ngoài đến quay phim ở đây (Đức, Mỹ, Hàn, Úc…). Có lẽ chính vì lẽ đó mà động đã có tên là Huyền Không. Nhà thơ Tản Đà sau khi đến thăm Huyền Không Động đã cảm tác nên 02 câu thơ:
“Rủ nhau lên động Huyền Không
Bụi Trần rủ sạch như không có gì”
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, động Huyền Không là căn cứ hoạt động bí mật của cán bộ lãnh đạo địa phương và du kích. Trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, Mỹ ngụy đã biến Huyền Không động thành nơi huấn luyện biệt kích đồng thời cũng là nơi đồn trú của nhiều đơn vị Mỹ. Đến mùa xuân Mậu Thân năm 1968, bộ đội ta đã đánh bật chúng ra khỏi hang và đồng loạt tấn công nhiều căn cứ lân cận và sân bay Nước Mặn của Mỹ. Hang động sau đó đã trở thành Trạm giải phẫu và là nơi cất giấu thương binh của quân giải phóng.
Động Huyền Không còn là nơi ghi dấu những trận đánh oai hùng của quân dân Quảng Nam Đà Nẵng, trong đó tiêu biểu là trận đánh của anh hùng Phan Hành Sơn (tên thật là Phan Hiệp) vào rạng sáng ngày 23/8/1968 đã tiêu diệt hoàn toàn sinh lực địch và giành thắng lợi hoàn toàn. Sau trận đánh, Tiểu đoàn 1 được Bộ chỉ huy quân giải phóng phong tặng Huân chương chiến công hạng nhất, Đại đội trưởng Phan Hiệp được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trng nhân dân và đổi tên thành Phan Hành Sơn.
BQL danh thắng Ngũ Hành Sơn