Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng năm 2025 diễn ra trong thời gian từ ngày 16 – 19/3/2025 (nhằm ngày 17 – 20 tháng 2 năm Ất Tỵ) thu hút hàng ngàn tăng ni, phật tử cùng du khách khắp nơi về tham quan, trẩy hội tại chùa Quán Thế Âm nằm trong quần thể Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là dịp để đạo hữu nói riêng, nhân dân và du khách nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời cũng là hoạt động nổi bật nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thành phố (29.3.1975 – 29.3.2025), mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, tôn giáo.
Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh của cộng đồng địa phương. Lễ hội được hình thành từ việc Hòa thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, tay cầm bình Cam Lồ, hoàn toàn thiên tạo, cao bằng người thật trong một hang động tại núi Kim Sơn – một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn. Hòa thượng đặt tên là động Quan Âm, đồng thời, lập một ngôi chùa ngay sát hang động, tựa lưng vào núi Kim Sơn và đặt tên là chùa Quán Thế Âm. Kể từ đó, để đáp ứng nhu cầu chiêm bái của người dân, các vị Chư Tôn Đức lúc bấy giờ đã thống nhất chọn ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm là Ngày lễ vía Đức Phật Quan Thế Âm. Ngày 19/2/1956, nhân dịp tổ chức lễ khánh thành chùa Quán Thế Âm, đây cũng chính là mốc đầu tiên khởi nên Lễ hội Quán Thế Âm ngày nay. Một thời gian dài do ảnh hưởng của chiến tranh và nhiều lý do khác, Ngày hội Quan Âm không tổ chức ở quy mô lớn mà chỉ gói gọn tại chùa Quán Thế Âm. Đến năm 1991, Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức quy mô, diễn ra trong ba ngày 17, 18 và 19 tháng Hai, trong đó ngày 19 là ngày Lễ chính thức.
Lễ hội Quán Thế Âm mang đậm tín ngưỡng tôn giáo Phật giáo, là sự kết tinh của những giá trị văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với giá trị tiêu biểu trên, năm 2000, Lễ hội được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước; Ngày 3/2/2021 được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận và đưa Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Quán Thế Âm năm 2025 gồm hai phần Lễ và Hội, với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú. Phần Lễ được tiến hành theo nghi thức trang nghiêm của Phật giáo: Lễ Thượng Phan, Thượng Kỳ, Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, Lễ Tế Xuân cầu Quốc thái – dân an, lễ Dâng hương tại miếu thờ tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa và các nghi thức Phật giáo khác. Phần Hội diễn ra với các hoạt động hết sức sôi nổi như: Trưng bày các tác phẩm tranh ảnh, thư pháp, thư hoạ và ra mắt Đặc san Diệu Âm Lễ hội Quán Thế Âm, hoa đăng Thiền hành; hội Đua thuyền truyền thống, hội Hoa đăng trên sông Cổ Cò, hội Cờ làng và hội thi Kéo co; Tọa đàm Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn; Biểu diễn nghệ thuật dân gian- Tổ chức các góc Trà thư – Biểu diễn âm nhạc dân tộc. Đồng hành cùng Lễ hội Quán Thế Âm năm 2025, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng đã tham gia một số hoạt động thiết thực như: diễu hành xe hoa tuyên truyền, quảng bá sự kiện Lễ hội Quán Thế Âm, triển lãm ảnh nghệ thuật, cây cảnh.
Trong 04 ngày đêm diễn ra Lễ hội, Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung, khu vực chùa Quán Thế Âm nói riêng đã thu hút đông đảo nhân dân, tín đồ, du khách trong và ngoài nước về tham quan trẩy hội. Với các hình thức quảng bá trực quan sinh động và các phương tiện truyền thông, Ban Quản Lý Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cùng với các hoạt động Lễ hội đã giới thiệu đến mọi người hiểu thêm về hình ảnh Danh thắng Ngũ Hành Sơn với vẻ đẹp vừa hiện thực, vừa huyền bí tâm linh, góp phần làm nên sắc thái văn hoá riêng của một điểm đến du lịch.
Một số hình ảnh trong thời gian diễn ra Lễ hội:
Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm 2025
Tọa đàm Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn
Hàng ngàn tăng ni, phật tử cùng du khách khắp nơi về tham quan, trẩy hội tại chùa Quán Thế Âm
Diễu hành xe hoa tuyên truyền, quảng bá sự kiện Lễ hội Quán Thế Âm
Triển lãm ảnh nghệ thuật về Ngũ Hành Sơn, cây cảnh
Tổ Quảng bá du lịch