Những hoạt động tiêu biểu của căn cứ lõm cách mạng K20 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954 – 1975

Khu Di tích lịch sử cách mạng K20 là tên gọi do Quận ủy Quận III đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Khu căn cứ cách mạng K20 nằm trên địa bàn Khu dân cư Đa Mặn 5, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, cách thành phố Đà Nẵng về phía Đông Nam khoảng 10 km; phía Đông Bắc giáp biển, phía Tây là dòng sông Hàn, phía Nam là đồng ruộng trũng và sông Vĩnh Điện. Có diện tích khoảng 60.302m2, dân cư ở đây thưa thớt, sống trong khu căn cứ chỉ khoảng gần 200 hộ, co cụm thành từng xóm nhỏ về phía nam, giữa vùng đất thấp để tiện cho việc sản xuất nông nghiệp trồng lúa và hoa màu.

 

Sơ đồ di tích căn cứ cách mạng K20

Khu căn cứ lõm K20 là biểu tượng của tinh thần cách mạng kiên cường và bất khuất của người dân Đà Nẵng nói chung và của quận Ngũ Hành Sơn nói riêng trong cuộc trường chinh 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu quốc. Là khu căn cứ bí mật, độc đáo nằm giữa lòng địch, một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là vùng đệm để bộ đội, cán bộ và du kích ta làm bàn đạp tấn công vào các căn cứ của Mỹ – Ngụy, lập nhiều chiến công oanh liệt, tạo nhiều tiếng vang lớn trên chiến trường Khu 5, đã góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975. Căn cứ K20 đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Quốc gia và 04 địa điểm trong Khu căn cứ cách mạng K20 được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử như nhà ông Huỳnh Phiên (Vấn), nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh và nhà ông Huỳnh Trưng.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), khối Đa Mặn là căn cứ cách mạng, thường gọi là Căn cứ lõm K20, nơi cơ quan Quận uỷ Quận III và Thành uỷ Đà Nẵng trú đóng để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Sau khi Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, Đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp, tiếp tục dã tâm xâm lược nước ta, xâm chiếm miền Nam, tấn công miền Bắc. Để thực hiện ý đồ trên Đế quốc Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, lập ra một chính phủ bù nhìn thân Mỹ, phá vỡ Hiệp định Giơ ne vơ, tiến hành các chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng”, truy lùng và bắt giết các đảng viên, cán bộ và quần chúng trung kiên. Ở Đa Mặn cơ sở Đảng đã phải chuyển vào hoạt động bí mật, không còn hợp pháp như trước nữa.

Năm 1954, đồng chí Nguyễn Đẫu do tình hình và nhiệm vụ mới, đã chuyển vào Nam hoạt động, giao nhiệm vụ lãnh đạo cho đồng chí Huỳnh Thơ. Lúc bấy giờ do sự truy lùng gắt gao của địch, một số lớn đảng viên và cơ sở quần chúng ở Đa Mặn nói riêng, ở phường Bắc Mỹ An nói chung đã bị địch bắt, tra tấn và bị đưa đi giam tại nhà tù Côn Đảo, thêm vào đó Mỹ – Diệm thực hiện “Luật 10/59”, lê máy chém đi khắp nơi, gây nên bao cảnh đau thương cho nhân dân miền Nam, các đồng chí đảng viên còn lại đã tạm lánh, phong trào cách mạng thời kỳ này phải tạm lắng xuống.

Sau những ngày đen tối của luật 10/59 mà đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã đề ra nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam, đầu năm 1960 với Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khóa II) ra đời soi sáng cho đường lối đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam. Từ đó phong trào đấu tranh cách mạng ở Đa Mặn dần dần được hồi sinh, năm 1961, Thành ủy Đà Nẵng đã cử cán bộ lãnh đạo nòng cốt trực tiếp về chỉ đạo các cơ sở, trong đó đồng chí Năm Cao (tức Nguyễn Thị Bé) được phân về Đa Mặn nắm lại tình hình, xây dựng lực lượng, trước hết là liên hệ với các cơ sở quần chúng đã tham gia cách mạng trước đây. Đến năm 1962, các đồng chí cán bộ ở Đa Mặn đã tổ chức được một lực lượng du kích gồm 3 người đó là các đồng chí Hồ Như, Hồ Mật và Nguyễn Thị Được do đồng chí Được làm tổ trưởng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Hưng (tức Sáu Hưng). Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Đặng Tiến (tức Trung Kiên) Thường vụ Thành ủy trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Đến tháng 03 năm 1963 thì được nhận nhiệm vụ “Diệt ác, phá kìm”, treo cờ đỏ đào hầm bí mật tại nhà đồng chí Hồ Như, Hồ Mật và nhà bà Nguyễn Thị Hải, để bố trí các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy về ở và chỉ đạo phong trào cách mạng tại địa phương. Qua công tác diệt ác, phá kìm, đội du kích đã diệt được 4 tên ác ôn, có nợ máu với nhân dân, đã được Thành ủy trao tặng giấy khen. Tháng 6 năm 1964 đồng chí Nguyễn Duy Hưng và đồng chí Đặng Tiến xúc tiến thành lập lại chi bộ Đảng cho Đa Mặn tại nhà bà Đặng Thị Thí (thôn Nước Mặn), chi bộ gồm có 3 đồng chí: Hồ Như, Hồ Mật và Nguyễn Thị Được, đồng chí Được làm Bí thư. Từ khi chi bộ Đa Mặn ra đời, chi bộ đã móc nối với những đồng chí và cơ sở trung kiên còn bám trụ để giao nhiệm vụ, tổ chức quần chúng tham gia cách mạng như xây dựng công sự mật, nuôi dấu cán bộ cách mạng, nắm tình hình địch, xây dựng lại các tổ chức quần chúng, chỉ trong vòng 3 năm (1962 – 1964) hầu hết các gia đình bám trụ ở Đa Mặn đều có công sự mật để nuôi dấu cán bộ và lực lượng vũ trang về hoạt động tiêu biểu như: Gia đình bà Nguyễn Thị Hải, gia đình ông Nguyễn Giăng, Nguyễn Tùng, Huỳnh Thị Thí, Nguyễn Củ, Phạm Thị Mua…

Từ năm 1964 chi bộ Đa Mặn chủ trương phát triển đội du kích lên đến 27 người và chia ra làm 9 tổ, mỗi tổ 3 người, trong đó có 9 người là nhân dân tự vệ của địch làm nội tuyến cho ta, đội du kích này do đồng chí Nguyễn Thị Được làm đội trưởng, đội đã phối hợp với cơ sở quần chúng tổ chức diệt thêm được 12 tên ác ôn, mở ra thời kỳ hoạt động mạnh của quần chúng nhân dân, khiến địch hoang mang lo sợ; đến cuối năm 1964 đội du kích đã đánh phá ấp chiến lược ở phường Bắc Mỹ An diệt 2 tên ác ôn và tham gia đánh Phòng Thông tin của Ngụy ở ngã năm, đốt cháy tài liệu và Phòng Thông tin.

Cuối năm 1963 đầu năm 1964, phong trào cách mạng ở Đa Mặn đã lan dần đến khối Mỹ Đa, từ đó Mỹ Đa mới có cơ sở và thành lập được một chi bộ với mật hiệu là B3 do đồng chí Lê Văn Long, Thường vụ Quận ủy Quận III làm Bí thư, lãnh đạo phong trào và cùng kết hợp với Đa Mặn đưa phong trào đấu tranh ngày một lên cao, cũng trong thời điểm này chi bộ Đa Mặn đã phân công một số cán bộ cơ sở nòng cốt và tự vệ cắm sâu vào các vùng như: An Thượng, An Trung, An Mỹ, An Hòa để móc nối, củng cố và phát triển cơ sở hoạt động.

Tháng 01 năm 1965, Thường vụ Quận ủy Quận III tăng cường về Đa Mặn thêm 4 đồng chí để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng tại đây, đó là các đồng chí Nguyễn Văn Nì (Năm Thông), Bí thư Quận ủy Quận III, đồng chí Tuấn phụ trách công tác chính trị, đồng chí Thắng phụ trách về kinh tế, đồng chí Bốn Thành phụ trách về an ninh. Đến tháng 2 năm 1965 chi bộ Đa Mặn tiếp tục phát triển thêm nhiều đảng viên mới, đồng chí Năm Thông đã làm lễ thành lập 2 chi bộ, lấy tên là chi bộ A2, A4 tại nhà thờ Bà Nhiêu. Chi bộ A2 (chi bộ Đa Mặn) gồm 4 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Thị Đừng, Nguyễn Ngạch, Trần Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Cầm, đồng chí Nguyễn Ngạch được cử làm Bí thư. Chi bộ A4 (chi bộ Đa Phước), gồm có 4 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Củ, Bùi Thị Lâm và Huỳnh Thị Thơ, đồng chí Nguyễn Thị Thi được cử làm Bí thư.

Tình hình lúc bây giờ ở Đa Mặn và Bắc Mỹ An nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung là hết sức phức tạp, Đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn ở miền Nam, trong đó có Đà Nẵng, để xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự liên hợp Hải, Lục, Không quân một cách chắc chắn, lâu dài, án ngữ phía Bắc; bảo vệ Thủ phủ của chế độ bù nhìn tay sai ở miền Nam, Mỹ đã xây dựng thêm cầu qua sông Hàn, xây dựng sân bay lên thẳng ở Nước Mặn, mở rộng và củng cố sân bay Đà Nẵng và đưa 17 đơn vị Mỹ – Ngụy, gồm nhiều binh chủng đóng tại bờ Đông sông Hàn, trong đó có những đơn vị thiện chiến như Sư đoàn lính thủy đánh bộ số I, Sư đoàn bộ binh cơ giới số 5, Lữ đoàn viễn chinh số 9; về dân số ở Đa Mặn lúc bấy giờ có khoảng 400 người, nhưng Mỹ – Ngụy đóng tại đây khoảng 6.000 tên, ước tính mỗi người dân Đa Mặn phải chịu sự kiểm soát, kìm kẹp của Mỹ – Ngụy là 15 tên, có thể nói bọn Ngụy tề, Việt gian đã biết rõ tên từng người dân ở đây; mặc dù địch đã bố trí một lực lượng khổng lồ binh lính với vũ khí hiện đại, có hàng trăm xe tăng, xe bọc thép ở trên bộ và dưới sông có hàng đoàn tàu bo bo, ngày đêm canh giữ, cộng thêm các loại thám báo, mật vụ, các đảng phái phản động, chỉ điểm, do thám và hệ thống đồn bốt dày đặc, nhưng chi bộ Đảng Đa Mặn vẫn đứng vững, cán bộ vẫn bám dân, bám cơ sở, nhân dân vẫn một lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đã bảo vệ an toàn “Lõm chính trị”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cấp trên, chi bộ Đa Mặn và nhân dân đã lập được nhiều thành tích trong phong trào đấu tranh vũ trang, trong công tác binh vận, xây dựng cơ sở và phong trào đấu tranh chính trị.

Trong phong trào đấu tranh vũ trang, du kích Đa Mặn đã phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lực được nhân dân che chở đã đánh vào sân bay Nước Mặn ngày 27 tháng 10 năm 1965 tiêu diệt và phá hủy hàng chục máy bay lên thẳng cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, đem lại niềm tin, sự cổ vũ và động viên toàn dân đánh giặc. Trận đánh này đã có tiếng vang trong toàn tỉnh và cả nước.

Tính từ năm 1964 đến 1974 lực lượng du kích Đa Mặn cùng lực lượng tự vệ phường Bắc Mỹ An đã tổ chức đánh 28 trận đánh lớn nhỏ, diệt nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân và 43 tên địch, trong đó có 5 tên Mỹ, 02 tên tình báo CIA, 3 thám báo, bắt cải tạo 7 tên, thu được 12 súng các loại, 150 quả lựu đạn, 40 băng đạn, phá hủy 1 xe quân sự, 1 xe ủi, đốt phá hàng chục máy bay và hàng ngàn tấn đạn dược của địch. Trong hoàn cảnh bị bao vây, kèm kẹp gắt gao, nằm trong vùng bị địch phong tỏa, nhưng lực lượng vũ trang Đa Mặn cùng với nhân dân đã lập được nhiều chiến công thật đáng trân trọng.

Về phong trào đấu tranh chính trị từ năm 1963 các cơ sở cách mạng đã hoạt động có chiều sâu và lan rộng trên toàn địa bàn, nhiều gia đình tham gia đào công sự mật, hệ thống giao thông liên lạc được củng cố từ trên xuống dưới và phần lớn các cơ sở trung kiên đảm nhận.

Cũng từ năm 1963 đến 1975 trên mảnh đất nhỏ hẹp này nhân dân đã đào được 124 hầm bí mật và công sự mật đủ các kích cỡ khác nhau. Đây có thể nói là một kỳ tích to lớn của cán bộ và nhân dân Đa Mặn dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đa Mặn, của Quận ủy Quận III. Công lao này trước hết thuộc về các bà mẹ, các chị, các em và các cụ lão thành, những người đã không ngại gian khổ hy sinh, quyết tâm đi theo cách mạng, đó là gia đình các mẹ Trần Thị Hảo, Trần Thị Mỹ, Cao Thị Nhung, gia đình bác Nguyễn Đảng…

Căn hầm bí mật của nhà ông Huỳnh Trưng, cánh cửa được ngụy trang khéo léo ngay dưới bàn thờ tổ tiên nên địch rất khó phát hiện

Trong suốt những năm tháng chống Mỹ xâm lược, tuy đã có các cán bộ về đây hoạt động, song vì địch bao vây, kèm kẹp gắt gao, để chỉ đạo phong trào đấu tranh bảo vệ “Lõm chính trị” nên Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị cho Quận ủy Quận III, luôn tăng cường cán bộ lãnh đạo chủ chốt về bám trụ ở Đa Mặn để trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh, trong đó có các đồng chí Bí thư Quận ủy như đồng chí Năm Thông, đồng chí Lý Trân, đồng chí Hồng Vân, Đặng Phước Trung… các đồng chí này có người đã hy sinh trên mảnh đất Đa Mặn như đồng chí Năm Thông (hy sinh năm 1968), ngoài ra còn nhiều đồng chí Tỉnh ủy, Thành ủy, quân báo, địch vận, lực lượng công an cũng về đây hoạt động.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đa Mặn và Quận ủy Quận III quần chúng nhân dân Đa Mặn còn tham gia đấu tranh trực diện với kẻ thù phá tan những âm mưu dụ dỗ, mua chuộc và chủ trương giành dân lấn đất của địch, như năm 1964 đồng bào đã xuống đường đấu tranh chống địch gom dân lập ấp chiến lược, chống cày ủi mồ mả, chặt phá cây cối, hoa màu để mở rộng căn cứ; năm 1966 đấu tranh không cho địch lập hàng rào điện tử tại giếng Trời; năm 1967 dưới danh nghĩa Phật giáo nhân dân Đa Mặn đã đấu tranh cương quyết với định vi phạm tự do tín ngưỡng, khi chúng đến phá chùa Khuê Bắc, cuộc đấu tranh kéo dài suốt 3 ngày, đêm, buộc địch phải nhượng bộ xin lỗi đồng bào và xây lại chùa. Ngoài các cuộc đấu tranh trên nhân dân Đa Mặn còn đấu tranh chống địch bắt lính, kêu gọi thanh niên không đi lính cho địch. Ngày 30 Tết năm Mậu Thân 1968 Mỹ – Ngụy dồn dân ra chùa Khuê Bắc và chở lương thực đến để ăn tết, nhưng nhân dân cũng cương quyết đấu tranh đòi về ăn tết ở gia đình để chuẩn bị tổng tấn công và nổi dậy.

Khi được tin Bác Hồ qua đời, ngày 08 tháng 09 năm 1968, đồng chí Nguyễn Hạnh – Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản đã tổ chức làm lễ truy điệu Bác tại chùa Khuê Bắc và phát băng tang cho hàng trăm người dân, nhân dân Đa Mặn đã để tang Bác trong 3 ngày. Năm 1971, nhân dân Đa Mặn tiếp tục tham gia đấu tranh, biểu tình chống lại trò hề bầu cử của Nguyễn Văn Thiệu, đến tháng 07 năm 1974 Mỹ – Ngụy cố tình phá vỡ Hiệp định Paris vừa ký kết, bọn chúng tăng cường khủng bố, giành dân lấn đất, nhân dân Đa Mặn lại một lần nữa đoàn kết chống địch khủng bố, bắt bớ, giữ vững căn cứ K20.

Trong những ngày quân ta tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng, chi bộ Đa Mặn đã kịp thời huy động quần chúng nổi dậy làm tan rã nhiều binh đoàn địch trước khi bộ đội ta vào giải phóng thành phố ngày 29 tháng 03 năm 1975. Nhân dân Đa Mặn đã góp phần rất lớn vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân thành phố nói riêng, nhân dân cả nước nói chung để chống Mỹ cứu nước, kết thúc một giai đoạn đầy gian khổ, hy sinh, mở ra một thời kỳ mới, cả nước thống nhất, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trải qua thời gian, khu căn cứ lõm K20 đã có nhiều đổi thay, nhất là các căn hầm bí mật, phần lớn đã bị mưa lũ hàng năm làm sụt lở, làm mất dấu vết hoàn toàn, hiện chỉ còn lại 3 căn hầm nhưng cũng không được nguyên vẹn; diện tích của căn cứ lõm K20 không còn là 3km2 như trước đây nữa mà hiện chỉ còn hơn 6ha do thu hẹp diện tích đất sản xuất trong quá trình chỉnh trang đô thị, quy hoạch phát triển chung của Thành phố; các phương tiện vận chuyển đưa bộ đội sang sông Trung Lương chỉ còn lại mái chèo, chiếc thuyền nan hiện được trưng bày tại nhà Truyền thống K20, nhiều hầm hào chôn cất  khí nay cũng không còn.

Ngày nay khi có dịp đến thăm lại căn cứ cách mạng K20 năm xưa, chúng ta sẽ được thăm lại ngôi nhà thờ Bà Nhiêu và căn cứ hầm bí mật phía trước sân, những căn hầm bí mật khác ở nhà bà Nguyễn Thị Hải, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà ông Lý… mà nhân dân Đa Mặn đã trân trọng, gìn giữ; điều đặc biệt là chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng được Nhà truyền thống – Nơi lưu giữ và trưng bày nhiều bút tích, tài liệu, hiện vật có giá trị – là những trang sử sống động phản ánh rõ nét truyền thống cách mạng anh hùng của nhân dân K20. Những địa chỉ đỏ, hầm bí mật, chiến hào xưa đang được vào các chương trình tham quan, giáo dục truyền thống. Mỗi hiện vật, mỗi sự tích đều gắn liền những con người có thật, trong đó có người đang còn sống, đang xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này.

Hội phụ nữ quận Thanh Khê đến tham quan Khu di tích K20

Thực hiện Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 06/01/2016 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc bổ sung nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu căn cứ cách mạng K20, đầu tháng 4/2016, tổ chức ra mắt Tổ quản lý Khu căn cứ cách mạng K20, phân công 01 đồng chí Phó Trưởng ban làm Tổ trưởng, chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích K20. Thời gian đầu vừa phục vụ du khách, vừa thực hiện xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn 2 Nhà truyền thống K20. Tuy nhiên, qua các phương tiện truyền thông và công tác quảng bá của đơn vị, trong năm 2016 Khu căn cứ cách mạng K20 đã đón 1.350 lượt khách (266 lượt khách nước ngoài). Từ đầu năm 2017 đến nay, đã tiếp đón, phục vụ miễn phí 1.262 lượt khách (32 lượt khách nước ngoài) đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Với trách nhiệm của mình Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn mong muốn nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chính quyền và nhân dân quận Ngũ Hành Sơn nói riêng và Đà Nẵng nói chung tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu hiện vật để biên soạn và lưu trữ cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngọc Nhất