Trong số nhân chứng K20, có một người không thể không nhắc đến: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công Dũng. Điều khiến chúng tôi quý mến ông, không chỉ bởi những chiến công phi thường mà chính là sự gần gũi, bình dị toát ra từ người anh hùng này. Ông thường nói: “Không có bà con K20 che chở, tôi chẳng thể làm được gì”.
Đồng chí Trần Công Dũng đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 2009
Một buổi chiều tháng 4-2016, khi chúng tôi đang cùng Tổ K20 thảo luận, thì ông đến bất ngờ. Dấu thời gian đã hằn lên nơi ông qua màu da nước tóc. Hỏi chuyện xưa, ông từ tốn trả lời, như người ông kể chuyện cho cháu nhỏ nghe. Nhưng đó không phải là chuyện thần tiên, mà câu chuyện về sự sống và cái chết.
Trở về K20
Mười lăm tuổi, tiếp nối truyền thống gia đình, Trần Công Dũng tham gia phong trào cách mạng tại địa phương, làm giao liên cho đồng chí Năm Nì, nguyên Bí thư quận ủy Quận III. Hai năm sau, ở tuổi mười bảy, anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ công an, biên chế thuộc Đội trinh sát an ninh vũ trang, Ban An ninh Quận III. Từ đây, ông bắt đầu chặng đường chiến đấu gian nan, đầy thử thách, mà dấu ấn sâu đậm nhất chính tại K20.
Ông Trần Công Dũng kể: “Sau tết Mậu Thân 1968, hoạt động cách mạng ở K20 lâm vào tình thế khó khăn. Một mạng lưới cộng tác viên, mật báo viên, chỉ điểm dày đặc được cài vào K20 nhằm đánh phá tận gốc các cơ sở cách mạng. Cán bộ ta một số bị bắt, số khác phải tìm nơi lánh nạn. Yêu cầu đặt ra là phải lên kết, tổ chức lại bộ máy cơ sở cũ, phát triển, xây dựng lực lượng cách mạng tại căn cứ lõm K20. Vào thời điểm này, tôi nhận nhiệm vụ từ đồng chí Đặng Văn Khá, nguyên Thường vụ Quận ủy, Trưởng Ban An ninh Quận III, luồn sâu, lót sát vào trong để thực hiện mục tiêu”.
Tháng 10-1970, Đặng Văn Khá và Trần Công Dũng quay trở lại K20. Ông trở về từ phía sông Cổ Cò. Cả hai phải ẩn mình suốt mấy ngày đêm trong lau lách sát mép sông, có lúc ngụp lặn trong bèo, hoa sen… để tránh bị địch phát hiện. Thuyền địch tuần tiễu ngang qua thì ngụp xuống nước nằm im. Đêm không có ai mới dám ngoi lên vào làng tìm gặp bà con để vận động. Nhiều hôm phải chịu đựng đỉa hút máu vẫn phải nằm im đội bèo lẩn trốn. Ròng rã cả tháng trời mới vận động được bà con đào hầm bí mật làm nơi ẩn náu.
Chiến công đêm 26-6-1971
K20 lúc đó có đến 4 tên mật báo viên nguy hiểm, có cả người nguyên là cơ sở bí mật của ta. Trần Công Dũng nhận lệnh cấp trên trừ khử mối nguy hại của dân. Anh đã bí mật tìm hiểu hồ sơ của chúng, nắm rõ cách thức hoạt động và gấp rút thực hiện kế hoạch. Nhiệm vụ đầu tiên là giết chết tên Cụt, mật báo viên cho lực lượng cảnh sát đặc biệt F62 của ngụy. Đêm 26-6-1971, Trần Công Dũng cải trang thành trung úy biệt động ngụy, đi thẳng vào nhà tên Cụt rồi gõ cửa gọi to: “Có Cụt ở nhà không?”. Tên Cụt từ trong nhà bước ra, vừa kịp trả lời: “Có việc gì mà trung úy tới nhà khuya vậy?”. Ngay tức khắc, Trần Công Dũng hô to: “Nhân danh cách mạng, tuyên án tử hình kẻ phản bội Tổ quốc!”, rồi bắn hai phát súng vào ngực Cụt, kẻ làm tay sai cho địch phải đền mạng.
Tiêu diệt xong tên Cụt, Trần Công Dũng lại tiếp tục đến nhà Thị Tâm, cộng tác viên cho Đặc khu An ninh quân đội ngụy, nhà ở ấp Mỹ Đa, để thực hiện nhiệm vụ. Thị Tâm bước ra mà không hề cảnh giác, Trần Công Dũng dõng dạc hô to: “Nhân danh lực lượng cách mạng diệt ác trừ gian, ai chống cự sẽ chung số phận với kẻ phản bội”… Tiêu diệt xong Thị Tâm, nhân cơ hội địch còn chưa hay biết gì, Trần Công Dũng lại tiếp tục thực hiện kế hoạch với việc bắt sống Huỳnh Vui và Huỳnh Thị Mừng, khống chế hai tên này rồi đưa về cơ sở để khai thác thông tin… Thắng lợi trong trận đánh đêm 26-6-1971 trở thành niềm phấn khởi cho nhân dân, giúp nhân dân có thêm niềm tin vào cách mạng và cũng tạo nên một bước tiến để phát triển cách mạng trong lòng K20…
Tâm niệm của người anh hùng
Sau chiến công đêm 26-6-1971, trong quá trình hoạt động ở K20, Trần Công Dũng còn có nhiều chiến tích lẫy lừng, khiến quân giặc khiếp đảm, như chuyện anh mang lựu đạn trong người, giả dân rồi len vào bãi rác nhằm tiếp cận, tiêu diệt địch, hay chuyện anh tổ chức cho cơ sở cách mạng đưa được thuốc nổ vào tận bên trong căn cứ địch, cho nổ tung tất cả, tiêu diệt 13 tên sỹ quan, mật thám, cố vấn… Sau này, khi chiến tranh kết thúc, công tác ở một đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Đà Nẵng, Trần Công Dũng tiếp tục có những đóng góp quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong cuộc đời sôi động của mình, anh hùng Trần Công Dũng có một điều tâm niệm, như ông nói: Mọi chiến công đều thuộc về nhân dân!
Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng và cháu nội
Bao nhiêu chuyện của một thời khói bom còn đó, nhìn lại, ngỡ chỉ mới hôm qua. Trần Công Dũng hôm nay đã hai màu tóc, thế nhưng khi nói về cuộc chiến một mất một còn với kẻ địch năm nào, đôi mắt anh vẫn sáng lấp lánh một niềm tin và cái giọng hào sảng của ông vẫn chất ngất khí thế của một chiến sĩ cách mạng. Ở đó, ông còn nhiều điều muốn nói. Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông đã hơn một lần nhắc đến hai chữ “lòng dân”.
Như Bác Hồ từng nói, dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Phải nói rằng nhân dân K20 có công lớn nhất trong tất cả các chiến công. Cách mạng ta đã dựa vào nhân dân mà đánh giặc. Anh hùng Trần Công Dũng nói với chúng tôi: “Ở cái làng hơn bốn chục hộ dân, nhà nào cũng có hầm bí mật. Trong vòng kiềm tỏa đến ngột thở của quân thù, thanh niên, phụ nữ, người trẻ và cả người già, ai ai cũng làm cách mạng. Tôi không thể nào quên chuyện mẹ Tươi đứng trước đầu xe tăng mà cản đường giặc, che chở cán bộ ta, hay chuyện trong đêm, nhân dân dũng cảm thắp đèn ra hiệu cho cán bộ… Ở K20, trong những tháng năm khắc nghiệt, khi sự sống và cái chết luôn cận kề nhau, hai chữ “lòng dân” chưa bao giờ quý hơn, đẹp hơn thế”.
Phương Dung
BQL Khu DLTC Ngũ Hành Sơn