Nhân chứng K20 – Kỳ 2: Vị sư biết nghề sửa máy

Theo ông Nguyễn Phán, thường gọi là Hai Phán,  năm nay 77 tuổi, trước đây làm cần vụ cho ông Hồ Nghinh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, trong thời chiến, địch gọi khu vực Nước Mặn – K20 là “xóm mồ côi”. Sở dĩ có tên gọi này là vì vị trí khá đặc biệt của K20: Một mặt giáp sông Cổ Cò, các mặt còn lại bị bao vây bởi các căn cứ, cơ quan Mỹ, ngụy, trong đó có một trong những căn cứ chiến lược là sân bay Nước Mặn. 

Ông Hai Phán và chiếc đèn dầu chống được gió từ cánh quạt máy bay trực thăng, một kỷ vật chiến tranh

Chính bởi vị trí độc đáo đó, mọi động tĩnh ở K20 đều bị kiểm soát gắt gao. Và, trong tình huống đó, quân dân K20 cũng ứng biến bằng những biện pháp đấu tranh rất độc đáo. Ông Hai Phán chính là hiện thân của biện pháp này – cải trang thành nhà sư để hoạt động ngay trước mắt địch.

Chuyện lạ “Xóm mồ côi”

Ông Hai Phán kể: “Quãng năm 1964, tôi làm xã đội trưởng ở K20, ban đầu lực lượng có 22 người. Cũng trong năm 1964, tôi được kết nạp đảng, sinh hoạt ở Chi bộ Đa Mặn. Lúc ấy, chi bộ có 4 đảng viên. Đó là thời kỳ hoạt động rất khó khăn, do địch bao vây tứ phía, cơ sở cách mạng chưa nhiều, lại thêm chỉ điểm, gián điệp…”.

Vai trò của xã đội trưởng Hai Phán lúc bấy giờ là tổ chức lực lượng tại chỗ, đón quân chủ lực từ các nơi về để tấn công các căn cứ, cơ quan Mỹ, ngụy, trong đó có sân bay Nước Mặn. Một lần, ông đón bộ đội từ làng Nam (xã Hòa Quý, H. Hòa Vang trước đây, nay là phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) về K20 để tấn công sân bay Nước Mặn. Người trực tiếp đưa quân vượt sông là cô giao liên Sáu Đen (chị có nước da rất đen, là người chèo đò qua sông Cổ Cò). Lúc đó hầm bí mật chưa đủ, quân ta phải nấp trên mái hiên nhà, chờ đêm xuống tấn công. Dự kiến, lúc 0 giờ, bộ đội, du kích sẽ tấn công, chẳng may bị lộ trên đường di chuyển.

Địch dùng hỏa lực mạnh tấn công ta từ bên ngoài sân bay Nước Mặn. Quân ta vừa đánh trả vừa rút vào dân. Lạ lùng, khi quân rút vào “xóm mồ côi”, địch không thể nào tìm được. Ngay trong đêm đó, giữa trùng điệp vòng vây của địch, trên trời hỏa châu sáng rực, bà con K20 và anh em du kích vẫn giúp quân ta rút lui êm thấm.

Đến sáng ra, địch tổ chức truy quét nhưng không phát hiện được gì nữa. Chúng nghĩ chỉ là du kích “làm liều”, không hề biết rằng, quân chủ lực của ta đã áp sát sân bay Nước Mặn – căn cứ quân sự cốt tử ở Đà Nẵng. Thế là chúng nói với nhau: “Xóm mồ côi, cộng sản dễ gì có ở đây”!? Cuộc rút lui của quân ta đã minh chứng sức mạnh thần kỳ của tình quân dân trong thử thách sống còn ở K20. Điều đó càng củng cố thêm ý chí tiến công quân thù của quân dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Hai lần vượt ngục

Riêng phần ông Hai Phán, sau khi bộ đội rút, vẫn tiếp tục hoạt động ở K20. Ông được ông Nguyễn Hữu Nì (tức Năm Thông, Bí thư Quận ủy Quận III) giao cải trang thành nhà sư, có nhiệm vụ bảo vệ các hoạt động ở chùa Khuê Bắc. Thực chất, đây là cơ sở cách mạng quan trọng ở K20 lúc bấy giờ. Chính nơi đây, vào ngày 8-9-1969, bà con K20 đã tổ chức sự kiện rất đặc biệt: Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chùa Khuê Bắc. Ông Hai Phán là một trong số những người tham gia sự kiện đặc biệt này.

Ông Hai Phán kể: “Ngày mùng 5 tết năm 1970, khi tôi đang mặc áo tu hành, ở chùa Khuê Bắc, địch ập vào bắt. Chúng đưa tôi về Hòa Vang tra khảo. Dù bị đủ thứ đòn roi, tôi vẫn nằng nặc nói bị oan, rằng tôi chỉ vì trốn lính mà đi tu, không biết gì cộng sản cả. Nhưng chúng không tha, bắt giam tôi. Ở trong tù, tôi vượt ngục một lần, đã vượt qua được nhà tù, bò qua khoảng 100m dây thép gai thì địch phát hiện, bắt lại, đưa vào nhà lao Hội An giam giữ.

Lúc ở nhà lao Hội An, một hôm, cai tù đưa về một chiếc tivi, lúc mở ra toàn “hạt mè”, không xem được. Đám cai tù không biết sao, đành hỏi tù nhân. Vốn là dân sửa máy, Hai Phán biết ngay là nhiễu sóng, do ăng-ten thấp, liền xin sửa. Để sửa, đám cai tù chở ông ra ngoài mua tre. Ông định nhân đó mà vượt ngục luôn, thế nhưng, gặp nơi cô quạnh quá, khó thoát, nên thôi. Kể từ đó, đám cai ngục… bắt đầu tin ông. Chúng nói với nhau: “Thằng này là thầy tu chứ cộng sản gì! Cộng sản làm sao mà biết nghề này”!

Giấy tờ tu hành của ông Hai Phán cấp năm 1962

Có lần địch đưa hai đồng chí của ta về nhà lao Hội An giam giữ. Được một thời gian thì hai đồng chí hy sinh. Đám cai ngục đưa hai đồng chí đi chôn, nhờ ông Hai Phán lái xe Jeep chở đi. Sau khi chôn cất hai đồng chí ở miếu ông Cọp, ông Hai Phán chở đám cai tù về. Trên đường về, ông cho xả nước làm mát, xe nóng quá, tắt máy. Trong lúc đám cai ngục xoay xở với chiếc xe gần bốc cháy, ông Hai Phán nhanh chân… bỏ trốn. Ông nhanh chóng tìm đến nhà binh nhất Nguyễn Văn Thân, là cơ sở cách mạng, hoạt động dưới vỏ bọc lái xe quân vụ ngụy. Binh nhất Thân đưa cho ông bộ quân phục Thiếu úy, ông mặc vào, rồi về lại Ngũ Hành Sơn hoạt động tiếp!

Sau này, theo chỉ đạo của cấp trên, ông Hai Phán chuyển sang Quận II hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau giải phóng, ông làm cần vụ cho một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của xứ Quảng – nhà cách mạng Hồ Nghinh.

Câu chuyện của ông Hai Phán có nhiều sự lạ. Nhưng chắc rằng, trong cái lạ lớn hơn – sự tồn tại bền bỉ thần kỳ của K20 giữa trùng điệp vòng vây quân thù – thì những sự lạ ấy chắc rằng cũng không quá khó hiểu. Nó cho thấy cái thần kỳ của chiến tranh nhân dân tại K20.

                                                                                                                Thị Phượng – Anh Tâm

                                                                                                         BQL Khu DLTC Ngũ Hành Sơn