Nhân chứng K20 – Kỳ 1: Hầm bí mật đầu tiên ở K20

Bà Nguyễn Thị Hải
Bà Nguyễn Thị Hải

Khu căn cứ cách mạng K20, thuộc khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng là một trong những di tích cách mạng hiếm hoi còn lại của TP Đà Nẵng, ghi đậm dấu ấn một thời chiến tranh lửa đạn, với vô số câu chuyện đáng được ghi vào sử sách. Và điều đặc biệt hơn cả, chính tại nơi đây, vẫn còn những chứng nhân của những câu chuyện này. Chúng tôi gọi họ là “nhân chứng K20”. Nhân kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2016), chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý vị bạn đọc loạt phóng sự dài kỳ “Nhân chứng K20”, như một lời tri ân, cũng là chỉ dẫn để bạn đọc hiểu hơn về sự thần kỳ của quân dân tại K20.

Hầm bí mật đầu tiên ở K20

Chúng tôi đến với K20 trong một buổi chiều đầy nắng gió. Cái oi ả mùa hè như gợi nên liên tưởng một thời khắc nghiệt nơi đây từng gánh chịu. Người đón chúng tôi là bà Nguyễn Thị Hải, một chứng nhân lịch sử khá đặc biệt. Bà Hải được cho là người đầu tiên ở K20 đào hầm nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ, để họ từ đó làm nên những chiến công ghi vào sử sách của mảnh đất kiêu hùng!

Trong giai đoạn chống giặc ngoại xâm, hầu hết tất cả các hộ dân trên địa bàn K20, nay thuộc khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, đều đào hầm nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Thế nhưng do đạn bom của kẻ thù phá hủy đến nay chỉ còn lại một số hầm, trong đó có 4 hầm đã được công nhận là di tích. Hộ gia đình bắt đầu phong trào đào hầm nuôi giấu cán bộ là nhà bà Nguyễn Thị Hải. Bà kể: Quãng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình bà được 1 nữ cán bộ đến nhà vận động theo cách mạng. Vì K20 nằm lọt thỏm giữa vòng vây gồm rất nhiều căn cứ quân sự, cơ quan Mỹ – ngụy, nên nhiệm vụ quan trọng lúc bấy giờ là đào hầm nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ ta hoạt động. Bà Hải cùng chồng mình, đồng chí Mai Đăng Phao và 2 người khác là Hồ Như và Nguyễn Thị Được đã chọn gian nhà dưới của mình m nơi đào hầm. Hầm có hình vuông cạnh 2m, sâu 1,2m nối liền từ nhà bếp ra chuồng heo. Miệng hầm rộng khoảng 60cm, dài 40cm. Hầm có 4 lỗ thông hơi ở 4 góc.

Bà Hải nhớ lại: Bốn người chúng tôi đào trong vòng 3 tháng mới xong hầm, Việc này rất khó, vì mỗi lần đào chỉ một ít, phải đem từng nắm đất đi cất giấu, rồi lại bí mật mang từng nắm xi măng, cát sỏi vào hầm để đúc táp-lô. Khi hoàn thiện, hầm được xây dựng khá kiên cố. Chỗ đất đào hầm bà đem đi trồng khoai, gieo cải, vừa cải thiện bữa ăn cho cán bộ, vừa che dấu cho địch khỏi phát hiện số đất mới. Mặc dù là đào hầm ngay trong chính căn nhà của mình nhưng 4 đứa con của tui không đứa nào hay biết! Hồi đó có câu Cách mạng miền Nam ai làm nấy biết! mà”.

Tấm bia công nhận nhà bà Hải là nơi đầu tiên đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động ở K20
Tấm bia công nhận nhà bà Hải là nơi đầu tiên đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động ở K20

Trong suốt thời gian nuôi giấu cán bộ, nhà bà Hải đã gặp không ít khó khăn. Bà vừa phải chăm lo cho cán bộ dưới hầm, vừa làm nhiệm vụ cảnh giới. Có bữa bà để dành 2 chén cơm đầy úp lên nhau cho cán bộ nhưng 4 người cán bộ chỉ ăn có 1 chén còn 1 chén để phần cho con của bà, bà càng thêm thương. Trong những ngày chồng bà đi họp, thường sẽ có 1 phần xôi do dân đem tới, bà lại mong chồng đi họp để có nắm xôi đem về san sẻ cho những cán bộ nằm hầm. Những khi có địch, mấy anh cán bộ phải ở dưới hầm lâu, do địa thế phía trên hầm là chuồng heo, rất dễ bị bít 4 lỗ thông hơi, người ở dưới đó rất dễ bị ngạt thở. Hễ thấy giặc tới là bà lại hô to: “Thưa mấy chú, mấy chú đi đâu đó mấy chú”. Thưa thì thưa thế thôi nhưng ý bà là muốn hô to để cho cán bộ ta biết có địch ở trên mà không ho, không nói chuyện, tránh bị phát hiện. Nhiều lần cán bộ ta bị ngạt thở ở dưới, bà lại cố kêu người kéo lên, pha sữa, nấu trứng gà đút cho ăn để cứu sống họ. Bà còn kể, có trường hợp bên Nước Mặn, cán bộ bị ngột chết do địch tới nhà kiểm tra lâu, dân không kịp thời mở nắp hầm, chồng bà cùng các đồng chí khác phải đem đi chôn cất…

Trong suốt giai đoạn 1962-1964, nhiều chiến s về K20, ban ngày núp trong hầm, bam đêm ra hoạt động. Mọi việc diễn biến êm xuôi cho đến khi một cán bộ bị địch bắt và chỉ điểm căn hầm. Giặc ráo riết lùng sục, bọn chúng dẫn tới một người mặc áo choàng đen từ đầu đến chân, chỉ chừa 2 con mắt, nhưng bà vẫn nhận ra người này. Khi hầm bí mật bị lộ, địch bắt bà cùng mấy đứa con trói vào gốc cây để răn đe, tra khảo. Tiếp đó, chúng cho phá hủy căn hầm, bắt người và kéo đổ luôn cả căn nhà của bà… Vừa tra khảo, răn đe, địch vừa dùng tiền mua chuộc lòng dân. Chúng đặt ra điều kiện, ai bắt được Việt cộng sẽ được thưởng một số tiền lớn, ngược lại ai che giấu thì giết sạch cả nhà. Thế nhưng, bất cứ mưu mô nào, bà và nhân dân K20 vẫn kiên trinh một lòng với cách mạng, không những không ai khai báo mà còn thêm quyết tâm nuôi giấu cán bộ…

Hiện nay, các cấp chính quyền đã cho trùng tu căn hầm, trước nhà bà Hải đã cho dựng tấm bia đá với dòng chữ “Nhà bà Nguyễn Thị Hải là nơi đã đào hầm bí mật đầu tiên ở khối Đa Mặn để nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng từ năm 1962-1964”. Bên cạnh đó, mỗi tháng Nhà nước chu cấp cho bà 700 nghìn đồng để cải thiện cuộc sống. Đây không phải là số tiền lớn nhưng cũng đã giúp được bà qua những ngày tháng già yếu. Mặc dù hầm của bà Hải chỉ hoạt động được từ 2/1962 đến tháng 10/1964 nhưng nó có ý nghĩa rất quan trọng, minh chứng cho tinh thần giác ngộ cách mạng của nhân dân Đa Mặn trong cuộc đấu tranh giành độc lập – tự do.

                Võ Hiền

BQL Khu DLTC Ngũ Hành Sơn