K20 là tên gọi do Quận ủy Quận III (Đà Nẵng) đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Khu căn cứ cách mạng K20 nằm trên địa bàn Khu dân cư Đa Mặn 5, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, cách thành phố Đà Nẵng về phía Đông Nam khoảng 5 km; Phía Đông, phía Bắc giáp đường quy hoạch khu số 4 mở rộng – Nam cầu Tuyên Sơn; Phía Tây giáp đường Trần Hưng Đạo; phía Nam giáp đường cách ly đường dây 110KV. Có diện tích hơn 6 ha, dân cư ở đây thưa thớt, sống trong khu căn cứ chỉ khoảng gần 200 hộ, co cụm thành từng xóm nhỏ về phía nam, giữa vùng đất thấp để tiện cho việc sản xuất nông nghiệp trồng lúa và hoa màu.
Nhà truyền thống Khu căn cứ cách mạng K20
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), khối Đa Mặn là căn cứ cách mạng, thường gọi là Căn cứ lõm K20, nơi cơ quan Quận uỷ Quận III và Thành uỷ Đà Nẵng trú đóng để lãnh đạo phong trào cách mạng.
Lúc bấy giờ Đa Mặn là vùng giáp ranh giữa huyện Hoà Vang và thành phố Đà Nẵng, đối với địch, đây là địa bàn quân sự quan trọng, là cửa ngõ chốt chặn và bảo vệ thành phố từ hướng đông nam, vì vậy Đa Mặn có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Sau hiệp định Giơ ne vơ, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã cho xây nhiều đồn bốt quanh Căn cứ Đa Mặn làm thành một vành đai quân sự khép kín và một bộ máy chính quyền tay sai ác ôn để kìm kẹp nhân dân và ngăn cản lực lượng cách mạng từ bên ngoài vào. Nhưng nhân dân Đa Mặn nói riêng, nhân dân Bắc Mỹ An nói chung luôn luôn theo Đảng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng đấu tranh chống quân thù.
Sau những ngày đen tối của Luật 10/59 mà đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã đề ra nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Đầu năm 1960 với Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, soi sáng cho đường lối đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam, từ đó phong trào Cách mạng ở Đa Mặn cũng dần dần hồi sinh. Năm 1961 Thành uỷ Đà Nẵng đã cử đồng chí Phạm Thị Bé (tức Năm Cao) về Đa Mặn nắm lại cơ sở quần chúng để Thành uỷ Đà Nẵng về hoạt động lãnh đạo phong trào đấu tranh. Năm 1962, Đa Mặn đã tổ chức được một lực lượng du kích, nhiệm vụ bước đầu là nắm tình hình địch “diệt ác, phá kìm”, treo cờ đỏ sao vàng, đào hầm bí mật tại nhà các đồng chí như Hồ Mật, Hồ Như, nhà thờ Bà Nhiêu, nhà bà Nguyễn Thị Hải… để nuôi dấu che chở các đồng chí Nguyễn Duy Hưng (Sáu Hưng), đồng chí Trung Kiên, đồng chí Nguyễn Sinh… đến tháng 6 năm 1964 Chi bộ Đảng Đa Mặn đã tổ chức quần chúng “diệt ác, phá kìm” tiêu diệt được nhiều tên ác ôn, có nợ máu với dân.
Tháng 1 năm 1965, Thường vụ Quận uỷ Quận III cử thêm 4 đồng chí cán bộ về tăng cường cho Đa Mặn để trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách Mạng và cơ quan của Thành uỷ Đà Nẵng cũng chuyển về đóng tại nhà thờ bà Nhiêu, ngày 8 tháng 3 năm 1965 khi đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam, chúng đã cho xây dựng gần Căn cứ Đa Mặn một sân bay lên thẳng – đó là sân bay Nước Mặn và đưa một lực lượng lớn quân Mỹ – Ngụy về đóng tại đây. Lúc bấy giờ dân số Đa Mặn chỉ có khoảng 400 người mà lực lưỡng Mỹ – Ngụy đóng trên địa bàn Bắc Mỹ An là 6000 tên. Mặc dù địch bố trí một lực lượng lớn như vậy nhưng cơ sở cách mạng vẫn đứng vững, cán bộ và nhân dân vẫn ngày đêm bám trụ, đoàn kết bảo vệ Căn cứ. Cuối tháng 10 năm 1965 lực lượng du kích Đa Mặn đã phối hợp với Tiểu đoàn Đặc công 89, với sự che chở của nhân dân đã đánh vào sân bay Nước Mặn tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, phá huỷ 106 máy bay lên thẳng, diệt và làm bị thương gần 400 tên.
Bên cạnh đấu tranh quân sự, nhân dân Đa Mặn cũng tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị trực diện với quân thù, chống địch gom dân lập ấp chiến lược, chống địch cày ủi mồ mả, chống bắt lính, kêu gọi anh em binh lính rời bỏ hàng ngũ của Ngụy về với cách mạng… Đặc biệt khi nghe tin Bác Hồ kính yêu qua đời ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội, nhân dân Đa Mặn đã tổ chức lễ truy điệu Bác tại chùa Khuê Bắc vào ngày 8 tháng 9 năm 1969 và gắn khăn tang cho từng người dân mặc dù địch ra sức khủng bố đánh đập. Tính từ năm 1964 đến năm 1975 lực lượng tự vệ, du kích Đa Mặn cũng đã phối hợp với lực lượng phường đội Bắc Mỹ An tổ chức 28 lần đánh lớn nhỏ tiêu diệt bọn ác ôn, chỉ điểm, thám báo và cũng trong giai đoạn này người dân Đa Mặn đã đào được 124 hầm bí mật trong tổng số 175 hầm trên địa bàn phường Bắc Mỹ An. Đây là một kỳ tích to lớn của cán bộ và nhân dân Đa Mặn dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Đa Mặn, quận uỷ Quận III và Thành uỷ Đà Nẵng.
Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng, cán bộ và nhân dân Đa Mặn một lòng, một dạ trung thành với Đảng, bất khuất trước kẻ thù, đem tính mạng và tài sản của mình hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Ông Đặng Văn Khá (trái) và ông Trần Công Dũng – Nhân chứng lịch sử
Ngày nay khi có dịp đến thăm lại căn cứ cách mạng K20 năm xưa, chúng ta sẽ được thăm lại ngôi nhà thờ Bà Nhiêu và căn cứ hầm bí mật phía trước sân, những căn hầm bí mật khác ở nhà bà Nguyễn Thị Hải, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà ông Lý… mà nhân dân Đa Mặn đã trân trọng, gìn giữ; đặc biệt chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng được Nhà truyền thống – nơi lưu giữ và trưng bày nhiều bút tích, tài liệu, hiện vật có giá trị – là những trang sử sống động phản ánh rõ nét truyền thống cách mạng anh hùng của nhân dân K20. Những địa chỉ đỏ, hầm bí mật, chiến hào xưa đang được vào các chương trình tham quan, giáo dục truyền thống. Mỗi hiện vật, mỗi sự tích đều gắn liền những con người có thật, trong đó có người đang còn sống, đang xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này.
Lê Ngọc Nhất
Ban quản lý khu DLTC Ngũ hành Sơn