Trưởng thành khi đất nước đã hòa bình, thế hệ trẻ hôm nay vẫn luôn được nhắc nhở, giáo dục về lịch sử đấu tranh đầy vẻ vang của thế hệ đi trước. Trong đó, việc tổ chức những chuyến tham quan, chuyến đi tìm hiểu thực tế tại các di tích lịch sử được xem là có hiệu quả thiết thực. Khu căn cứ cách mạng K20 thuộc Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn là một trong những địa chỉ mà các cơ quan, đơn vị, trường học… chọn đến tham quan, học tập, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân ta ngày ấy.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khu căn cứ cách mạng K20 là nơi diễn ra phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ, rộng khắp của quân dân trong những năm 1964 -1975, là địa chỉ đỏ, biểu hiện sinh động về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, sự hy sinh của nhân dân K20 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trên mảnh đất này, đâu đâu cũng đều thấm máu xương của biết bao chiến sỹ, đồng bào và ghi dấu đậm nét những chiến công vang dội, hiển hách.
Sinh viên trường Cao đẳng VHNT ĐNtìm hiểu lịch sử tại nhà truyền thống K20
Chị Trần Việt My, sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng chia sẻ, “học lịch sử qua sách vở, phim ảnh hoặc qua những lời kể của các nhân chứng là chưa đủ, việc kết hợp tham quan tìm về các di tích, chiến tích lịch sử, được tận mắt chứng kiến những di vật của các anh hùng Liệt sỹ để lại, kết hợp với lời thuyết minh tường tận của các hướng dẫn viên tại Khu căn cứ cách mạng K20 đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm, cảm nhận sâu sắc về thời kỳ gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Anh Đoàn Văn Hải, Đoàn Thanh niên phường Hòa Thuận Tây quận Hải Châu nhìn nhận khi tham quan tại Khu căn cứ cách mạng K20 “được nghe tường tận về trận đánh khốc liệt tại sân bay Nước Mặn với biết bao vũ khí tối tân, hiện đại của Mỹ và một bên quân ta chỉ đơn thuần là cuốc, xẻng, gậy, gộc.vũ khí thô sơ, Song, với tinh thần quả cảm, cuối cùng chiến thắng đã thuộc về nhân dân ta. Trận thắng này nói lên được chính nghĩa của cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta, để lại trong tôi niềm tự hào sâu sắc”.
Ngoài nhà truyền thống , nơi lưu giữ và trưng bàynhiều bút tích, tài liệu, hiện vật có giá trị của quân và dân phường Khuê Mỹ, hiện nay, một số hộ dân sinh sống xung quanh Khu căn cứ cách mạng K20 vẫn bảo tồn được những căn hầm bí mật, một thời nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Những căn hầm bí mật này được đào sâu trong lòng đất, bắt đầu từ nơi dễ ngụy trang, uốn lượn xung quanh nhà dân thông ra các ngõ ngách sau nhà, sân vườn, dưới nhà bếp, chuồng heo… . Ông Huỳnh Trưng ( chủ nhân căn nhà có hầm bí mật) cho biết, hệ thống đường hầm bí mật này được sử dụng để nuôi giấu cán bộ, dưỡng thương, cất giữ vũ khí, lương thực, đạn dược, tổ chức hội họp bàn phương án tác chiến…
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang trong một lần tham quan hầm bí mật đã không khỏi ngạc nhiên, bày tỏ lòng cảm phục trước sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân dân ngày ấy. Bà cho biết thêm, với trách nhiệm của mình, Hội phụ nữ xã Hoà Châu sẽ tích cực truyền đạt cụ thể quá trình đấu tranh, trưởng thành của quân và dân tại Khu Căn cứ cách mạng K20 cho các hội viên khác trên địa bàn Hoà Châu, nhất là các Hội viên trẻ.
Học sinh trường Tiểu học Lê Lai tham quan hầm bí mật nhà ông Huỳnh Trưng
Những trang sử vẻ vang, hào hùng của quân và dân ta tại Khu căn cứ cách mạng K20 được tái hiện qua những câu chuyện kể, những thước phim, những hiện vật tại nhà truyền thống, những căn hầm bí mật… đã giúp cho thế hệ trẻ hiểu lịch sử, hun đúc niềm tin vào Đảng, sống xứng đáng với truyền thống cách mạng cha ông góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Nguyễn Thị Hồng Phúc