Chuyện kể của nhân chứng lịch sử K20

Để chuẩn bị cho sự ra đời của Tổ bảo vệ và quản lý di tích Khu căn cứ cách mạng K20 thuộc Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn theo sự chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận Ngũ Hành Sơn; đồng thời để chuẩn bị tài liệu cho công tác Hướng dẫn – Thuyết minh phục vụ khách tham quan, du lịch trong thời gian đến. Nhóm tác nghiệp của Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn trong những ngày qua đã xuống thực tế tại Khu căn cứ cách mạng K20 để tìm hiểu cụ thể hơn về Khu căn cứ này, cũng như gặp những nhân chứng lịch sử, những người có thật đang xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này để được nghe về những câu chuyện, những trận đánh năm xưa… Nhóm tác nghiệp xin được gửi đến bạn đọc 2 trong số những câu chuyện tiêu biểu mà chúng tôi ghi lại được qua lời kể của đồng chí Nguyễn Hạnh, nguyên Bí thư Đoàn Thanh Niên và Xã đội phó K20 trong thời chiến.

Câu chuyện thứ nhất: Lễ truy điệu Bác Hồ ngày 08 tháng 9 năm 1969 tại chùa Khuê Bắc

Một sự kiện chính trị hết sức đặc biệt của phong trào cách mạng K20 là lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chùa Khuê Bắc, ngày 08 tháng 9 năm 1969. Sau khi nghe tin Bác mất, toàn thể cán bộ chiến sỹ và nhân dân Khu căn cứ lõm K20 bàng hoàng, đau xót. Để tỏ lòng tiếc thương vô hạn, sự tôn kính đối với vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Quận ủy Quận III đã chỉ đạo tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay tại căn cứ K20.

Chùa Khuê Bắc – Nơi diễn ra Lễ truy điệu Bắc Hồ ngày 08 tháng 09 năm 1969

Từ mờ sáng ngày 08 tháng 9 năm 1969, từng người dân Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa lặng lẽ kéo về chùa Khuê Bắc, mọi người đều được phát băng tang và dâng hương trước bàn thờ Bác. Khoảng 3 giờ chiều, trong không khí trang nghiêm đầy xúc động, trước hơn 100 quần chúng nhân dân, phật tử của các Chùa trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Thị Được (Bốn Rẫm) – Bí thư Chi bộ K20 đã đọc điếu văn tiễn đưa Người. Giữa trùng vây kẻ thù nhưng buổi lễ đã được tổ chức rất trang trọng và an toàn như ở vùng giải phóng. Sau buổi lễ, nhân dân khắc cốt ghi tâm lời dạy của Bác: “Quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.

Lễ truy điệu diễn ra gần 1 tiếng đồng hồ, ngoài 12 đảng viên còn có một số du kích mật, quần chúng cách mạng và các đạo hữu phật tử, có cả Ban Trị sự chùa Khuê Bắc. Bọn Mỹ – quân đội Sài Gòn chỉ cách đó hơn trăm mét vẫn không hề hay biết…

Khi được tin Bác Hồ qua đời, ngày 08 tháng 9 năm 1969, đồng chí Nguyễn Hạnh – Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản, cùng với đồng chí Thiệt, Xênh, Thái được phân công trực tiếp tổ chức làm lễ truy điệu Bác kể lại: “Hôm ấy, nhận được tin trên đài, Bác Hồ – vị lãnh tụ của dân tộc đã ra đi. Chi bộ đảng K20 quyết định, phải tổ chức lễ truy điệu cho Người, nhân đó biến đau thương thành hành động cách mạng, chống giặc cày ủi, lùng sục, bắt bớ cán bộ ta. Buổi lễ truy điệu Bác sẽ diễn ra vào sáng 8 tháng 9 năm 1969 tại chùa Khuê Bắc dưới hình thức một buổi lễ của các phật tử để che mắt địch.

Mọi việc từ chuẩn bị băng tang, viết điếu văn đến phân công quần chúng cảnh giới đều được chuẩn bị rất chu đáo. Nhưng riêng tấm ảnh của Bác thì Chi bộ vẫn chưa tìm ra. May thay, lúc ấy có các anh bên Quận uỷ đưa cho tấm chân dung Bác màu đen trắng cỡ 20×30. Khoảng 3 giờ chiều ngày 8 tháng 9 theo kế hoạch, đảng viên, quần chúng cách mạng trong trang phục phật tử rải rác đến chùa…”.

Ông Nguyễn Hạnh đang kể chuyện với Nhóm tác nghiệp

Bà Bùi Thị Lâm (đã mất) khi đó là đảng viên trẻ được tổ chức giao nhiệm vụ chuẩn bị băng tang cho buổi lễ truy điệu, khi còn sống, nhiều đoàn đến thăm, bà thường xúc động kể: “Khi nhận nhiệm vụ, tôi ra chợ An Thượng mua 2 tấm vải to, một màu đen, một màu vàng giấu dưới rổ rau. Đêm đó, dưới hầm bí mật, bên ngọn đèn dầu, tôi đã cắt 2 tấm vải thành hàng chục mảnh nhỏ, rồi khâu lại, bên màu đen, bên màu vàng. Làm thế cốt để đề phòng khi đang lễ, tụi lính ập vào (không có địch, mọi người gắn mảnh băng tang màu đen tưởng nhớ Bác, lúc gặp địch, thì lật màu vàng, để che mắt chúng)…”.

Ông Nguyễn Phán, một trong những người tham gia tổ chức lễ truy điệu Bác, nhớ lại: “Không chỉ đảng viên, mà hôm đó quần chúng cách mạng cũng tích cực tham gia. Ai nấy nhận băng tang từ chị Lâm trân trọng gắn lên ngực áo mình.

Phút tưởng niệm Bác Hồ, ai cũng đặt tay lên tim mình, nghẹn ngào cảm động và thầm hứa với Bác sẽ cùng nhau giữ vững vị trí chiến đấu trong lòng địch.

Xúc động nhất là khi chị Nguyễn Thị Được (đã mất), (thường gọi là Bốn Rẫm) lúc ấy là Bí thư Chi bộ Đa Mặn đọc điếu văn. Điếu văn rất cảm động, nêu bật công ơn trời biển của Bác với nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam.

Khi đọc đến câu: “Bác Hồ, vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của chúng ta không còn nữa”, ai cũng không cầm nổi nước mắt, có người khóc nức nở. Dẫu đau thương, nhưng khí tiết vẫn quật cường, lời cuối của điếu văn vẫn sang sảng kêu gọi đảng viên và quần chúng biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững căn cứ lõm K20 bằng mọi giá, làm bàn đạp tiêu diệt kẻ thù ở khu vực nội thị.

Phút mặc niệm trang nghiêm, mọi người đặt tay lên ngực, thề với Bác quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giải phóng quê hương. Toàn thể đảng viên, quần chúng cách mạng K20 xin hứa với Bác đoàn kết một lòng theo Đảng theo cách mạng. K20 sẽ tiếp tục là mũi dao chọc thẳng vào đầu não của quân thù, phá huỷ sân bay Nước Mặn, cơ quan chiến lược của giặc góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà như mong ước của Bác Hồ trước lúc đi xa”…

Ông Nguyễn Hạnh đang kể chuyện với Nhóm tác nghiệp về Sơ đồ Khu căn cứ cách mạng K20 do chính Ông vẽ, phục vụ cho các trận đánh của Quân ta trước đây

Câu chuyện thứ hai: Di tích Chùa Khuê Bắc và Sự kiện đấu tranh đòi xây dựng lại chùa Khuê Bắc

Vào năm 1956 để có nơi thờ tự, nhân dân khối phố Đa Mặn đã tự đóng góp tiền của và công sức để xây dựng một ngôi chùa nhỏ, lấy tên là chùa Khuê Bắc. Chùa không có người tu hành, hàng tháng vào ngày rằm và mồng một âm lịch, ông Nguyễn Tín người trong khuôn hội Phật giáo đến thắp hương đèn, cầu nguyện Đức Phật phù hộ, độ trì cho nhân dân trong khối phố.

Từ năm 1965 đến năm 1975 nhân dân Đa Mặn dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đa Mặn và Quận ủy Quận III đã sử dụng Chùa làm nơi đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù, phá tan những âm mưu dụ dân, giành dân, lấn đất của địch… làm nên những sự kiện lịch sử, những thắng lợi lớn của nhân dân Đa Mặn:

– Sự kiện chống không cho Mỹ – Ngụy đốn thông, cày ủi đất mở rộng vành đai chiếm đóng của chúng: Đầu năm 1965, nhân dân Đa Mặn theo sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng và đồng chí Đặng Tiến, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nổi lên chống lại quân ngụy gồm lính và cảnh sát không cho chúng đốn thông, cày ủi đất đai mở rộng vành đai chiếm đóng của địch hòng ngăn chặn lực lượng cách mạng đi lại và hoạt động trong vùng. Cuối cùng trước sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân và phật tử, bọn chúng đã ngừng chặt phá thông và cảy ủi đất đai, trả lại số cây đã đốn cho nhân dân.

– Sự kiện bắn phá sân bay Nước Mặn của bộ đội chủ lực năm 1965: Tháng 9 năm 1965, tại vườn thông của chùa Khuê Bắc, bộ đội ta đã bố trí quân (01 trong 03 vị trí bắn phá – vị trí trong chùa khoảng cách gần nhất với sân bay Nước Mặn là 250m) để pháo kích vào sân bay Nước Mặn và gây thiệt hại nặng cho địch.

– Sự kiện đấu tranh đòi xây dựng lại chùa Khuê Bắc: Trước sự việc bọn Mỹ – Ngụy bắn làm sụp đổ một mái chùa Khuê Bắc và 2 tên sĩ quan Mỹ (1 thiếu tá và 1 thiếu úy) vào chùa xô bể Tượng Phật, nhân dân ta dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Nì (Năm Thông) – Bí thư Quận ủy Quận III, đã tập trung lại dưới danh nghĩa đạo hữu Phật tử viết đơn kiến nghị với Tỉnh Hội và Thị trưởng Đà Nẵng đòi bồi thường thiệt hại. Thấy phong trào đấu tranh của nhân dân ta quá mạnh nên Thị trưởng Đà Nẵng và tên Trung tướng Nguyễn Chánh Thi – Tư lệnh vùng I chiến thuật cùng bọn chỉ huy ở sân bay Nước Mặn đã đến chùa xem xét, xin lỗi đồng bào và bồi thường thiệt hại cho xây lại chùa Khuê Bắc. Nhưng nhân dân cương quyết không chịu bồi thường tiền mà đòi bọn chúng phải xây lại chùa. Cuối cùng, Nguyễn Chánh Thi ủy quyền cho tên thiếu tá Trần Hữu Mai, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn công binh 104 phụ trách xây lại chùa Khuê Bắc. Sau khi chùa xây dựng xong, trước yêu cầu của nhân dân, bọn Mỹ – Ngụy đã chấp thuận không bắn phá chùa nữa.

Tấm bia do trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng I chiến thuật của địch

tái thiết khắc phục hậu quả tại chùa Khuê Bắc

– Sự kiện chống lại bọn Mỹ – Ngụy tập trung dồn dân trong Chùa để kìm kẹp và mua chuộc nhân dân, không cho nhân dân có điều kiện giúp đỡ cách mạng: Sáng ngày 30 Tết năm Mậu Thân 1968, bọn Mỹ – Ngụy chở thức ăn đến và căng lều ở chùa, dồn dân ra chùa vào ở trong những căn lều vừa dựng để ăn Tết, nhằm mục đích kiểm soát, kìm kẹp và dụ dỗ mua chuộc nhân dân. Nhưng nhân dân Đa Mặn lại một lần nữa đấu tranh không chịu ăn Tết ở chùa, nên cuối cùng bọn chúng đành phải thả nhân dân về ăn Tết ở gia đình, vì thế nhân dân có điều kiện để chuẩn bị tiếp tế, tiếp sức cho bộ đội, dân quân du kích tổng tấn công và nổi dậy giành thắng lợi trong dịp Tết Mậu Thân.

– Chùa cũng là điểm tập kết nhân dân trong vùng nhằm mục đích không cho nhân dân đi bầu cử cho tên Nguyễn Văn Thiệu: Năm 1970, dưới danh nghĩa Phật tử, đồng chí Nguyễn Hạnh – Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, là đảng viên, tổ trưởng biệt động Quận III đã huy động đồng bào Phật tử đến chùa cắm cờ Phật, đưa dân vào chùa làm lễ tang nhà sư ở Huế vừa tự thiêu nhằm mục đích không cho nhân dân đi bầu cử nhiệm kỳ III của Nguyễn Văn Thiệu tại Hội đồng xã Hòa Long, Hòa Hải. Cuối cùng toàn bộ nhân dân ở Đa Mặn đều vào chùa làm lễ, chỉ trừ có 3 người dân không hay biết nên đi bầu cử.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện nữa về Khu căn cứ cách mạng K20, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc trong điều kiện cho phép.

                                                                                                                                                              Tổ Quảng bá

                                                                                                                                         Ban quản lý khu DLTC Ngũ Hành Sơn