Nhân chứng K20 – Kỳ 4: Chuyện một người thắp đèn

 alt

 Ông Huỳnh Trưng kể chuyện cho các cháu Thiếu nhi

Tất cả các cán bộ hoạt động ở K20 đều biết một ám hiệu. Đó là đốm sáng trong đêm phát ra từ chiếc đèn nhỏ. Chính nhờ đốm sáng nho nhỏ giữa đêm đen ấy, không biết bao nhiêu cán bộ ta đã được cứu sống, và hoàn thành nhiệm vụ. Nói đến K20, không thể không nhắc đến những đốm sáng ấy, và những con người thắp nên đốm sáng ấy. Ông Huỳnh Trưng là một người thắp đèn như thế.

Hầm bí mật dưới bàn thờ

Ông năm nay đã ngoài 80, nhưng nhìn vẻ linh hoạt trong từng bước chân, không ai nghĩ ông tầm tuổi ấy. Ông Huỳnh Trưng kể, tham gia cách mạng từ lúc còn trẻ, hoạt động trong đội du kích ở địa phương. Lúc 23 – 24 tuổi ông bị Mỹ bắt 3 lần, lần bị giam lâu nhất 2 năm. Mỗi lần bị bắt, ông bị đánh đập, tra khảo dã man nhưng vẫn kiên quyết một lòng không khai báo. Ông đã bị mất vĩnh viễn một bên mắt trong những lần như vậy. Vì không khai thác được gì, địch đưa ông đi lao công, nhân đó ông tìm cách trốn về nhà, thay đổi lý lịch, họ tên, tuổi, tiếp tục tham gia hoạt động bí mật ở Đa Mặn, còn có tên gọi khác là Xóm Đồng.

Thời ấy, Mỹ – Ngụy bao vây mọi nơi quanh xóm, đâu đâu cũng thấy địch. Trong xóm chủ yếu là người già, còn thanh niên thì một phần tham gia cách mạng, một phần trốn đến nơi khác  vì hoàn cảnh rất khắc nghiệt. Nếu những ai không chịu khai báo, không chịu đi lính thì chúng đánh đập, tra tấn và giết, phụ nữ và trẻ em cũng như thế. Để che mắt địch ông giả làm nghề rớ. Hằng ngày, ông có mặt trên dòng sông với một chiếc ghe xem xét tình hình để vận chuyển vũ khí, bộ đội, và đưa tin cho bộ đội lúc bấy giờ.

Khoảng tháng 2-1968, ông Năm Thông (Nguyễn Văn Nì) – Bí thư Quận ủy Quận III đến gặp ông, tính chuyện đào hầm bí mật ngay dưới bàn thờ nhà ông. Chỉ có 2 người đào hầm là ông và ông Năm Thông. Ông Năm Thông đào đất, còn ông bí mật đem đất ra sông đổ, đào 20 đêm là hoàn thành. Từ khi đào hầm thì hoạt động của ông ngày càng khó khăn và nguy hiểm hơn nhưng ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1968, nhận chỉ thị cấp trên, ông dụ được một tên ác ôn tên Trinh về nhà đánh bài, sau đó Trinh bị đồng chí Lê Văn Long – Phó bí thư Quận ủy Quận III  bắt sống. Cũng trong năm này, ông đã được phân công cùng với 2 người khác dẫn đầu phong trào đấu tranh tại Tòa Thị Chính Đà Nẵng để chống lại chế độ Nguyễn Văn Thiệu.

Sau khi đồng chí Năm Thông hy sinh vào khoảng đầu năm 1969, đồng chí Đặng Hồng Vân (Ba Vân) được phân công về Đa Mặn làm Bí thư Quận ủy Quận III. Lúc bấy giờ, đồng chí Đặng Hồng Vân vẫn ẩn nấp ở nhà ông và tiếp tục cùng ông đào hầm dài ra sau vườn để nuôi giấu bộ đội bị thương, cán bộ chủ chốt.

Ánh đèn của người khiếm thị

Nhà ông Huỳnh Trưng mặt nhà quay ra cánh đồng và sông Trung Lương, chảy ra sông Hàn bao bọc lấy Xóm Đồng. Với địa điểm thuận lợi như thế nên năm 1964 Thường vụ Quận ủy Quận III đã chọn nhà ông là nơi báo hiệu cho bộ đội. Ông kể, để báo tin cho bộ đội, phải có người phát tín hiệu bằng đèn. Ông nhận nhiệm vụ này, dù một mắt của ông đã hỏng, mắt còn lại không thể nhìn rõ như người bình thường. Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ, khi nhận được tin từ giao liên là tối sẽ có người về thì ông quan sát, nắm kỹ tình hình và báo hiệu bằng cách bật đèn. Trong quá trình hoạt động như thế nguy hiểm luôn rình rập ông. Bởi lính ngụy bao vây xóm dày đặc, chúng lại hay lui tới nhà ông. Có lúc, ông cùng lính Mỹ ngồi nói chuyện trên nhà, ở dưới hầm các cán bộ chỉ huy đang họp. Nguy hiểm là thế nhưng lúc nào ông vẫn giữ được bình tĩnh, xem như không có việc gì để đánh lừa lính ngụy. Thông thường, phát hiện địch ông bật đèn xanh, còn không có địch thì bật đèn đỏ để cho bộ đội bên kia sông Trung Lương bí mật vượt qua sông. Chính nhờ những ánh đèn ấy, quân ta đã nhiều lần vượt sông thành công, đánh cho địch những đòn choáng váng.

Trong quá trình hoạt động lúc bấy giờ cái chết luôn cận kề nhưng ông vẫn một lòng trung thành, tích cực tham gia và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông đã 2 lần chuyền đơn, cờ và tài liệu vào nội thành Đà Nẵng giao cho giao liên. Sau đó, ông được sự phân công của đồng chí Nguyễn Được (Đội trưởng diệt ác ôn của Ban An ninh Quận III) đã dụ địch ra sông đánh cá để cán bộ ở dưới hầm họp bàn công tác tác chiến. Ông còn tham gia vận chuyển vũ khí từ Hòa Phụng về Đa Mặn, tổ chức vận động quần chúng tham gia chống địch, bỏ gạo tiết kiệm, đóng quỹ nuôi quân…

Ba mẹ ông là Huỳnh Thắng và Nguyễn Thị Cải đều là liệt sĩ, các chị của ông trong thời kháng chiến tập kết ra miền Bắc và lập gia đình ở đó. Hiện nay, ông ở cùng với vợ và đứa con út trong một ngôi nhà nhỏ vẫn còn lưu giữ căn hầm bí mật dưới bàn thờ năm nào. Khi được hỏi ông về cuộc sống hiện tại như thế nào, ông chỉ nói ngắn gọn mà làm chúng tôi phải suy nghĩ : “Bây giờ thì sướng quá rồi”! Tôi trộm nghĩ, câu nói bình dị ấy như ẩn chứa bao điều, trong ấy có lòng bao dung, tinh thần cao thượng của con người, của nhân dân.

                                                                                                                   Linh Trần 

                                                                                                                 BQL Khu DLTC Ngũ Hành Sơn