K20 là mật danh của khu căn cứ cách mạng do Quận ủy quận III Đà Nẵng chỉ đạo chính thức xây dựng từ mùa đông năm 1964, tồn tại trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng năm 1975. Khu căn cứ được xây dựng ở vùng địch hậu, gọi là căn cứ lõm với tính chất độc đáo, đặc biệt ở thành phố Đà Nẵng, trong chiến tranh giải phóng dân tộc.
Địa bàn khu căn cứ với tổng diện tích hơn 6 ha, có trục đường giao thông chính Đà Nẵng – Hội An đi qua, cách trung tâm thành phố khoảng 5km về phía Đông Nam. Phía Đông, phía Bắc giáp đường quy hoạch khu số 4 mở rộng – Nam cầu Tuyên Sơn; Phía Tây giáp đường Trần Hưng Đạo; phía Nam giáp đường cách ly đường dây 110KV.
Đối với địch, đây là địa bàn quân sự quan trọng, là cửa ngõ chốt chặn và bảo vệ thành phố từ hướng Đông nam. Bởi vậy, từ năm 1965, nơi đây đã trở thành địa bàn triển khai các cứ điểm quân sự mạnh của Mỹ ngụy trong kế hoạch xây dựng Đà Nẵng thành khu liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung. Có lúc chúng tập trung tới 6.000 quân với đủ các loại lính: thủy quân lục chiến, biệt kích, bộ binh cơ giới… Đi liền theo đó là một hệ thống dày đặc các đồn bốt, trạm gác, cơ sở thông tin, trại huấn luyện quân sự… với trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh hiện đại. Đặc biệt, chúng còn xây dựng ở Nước Mặn một sân bay quận sự chiến thuật nhằm giảm tải cho sân bay Đà Nẵng, đáp ứng yêu cầu ngày càng mở rộng của cuộc chiến tranh.
Mặc dầu vậy, bằng sự khôn khéo, mưu trí, dũng cảm của quần chúng nhân dân K20, nơi đây trở thành vùng đất “thép” để xây dựng và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng ngay trong lòng địch, điểm nối mạch liên lạc giữa cách mạng địa phương với vùng lân cận của thành phố và tỉnh Quảng Nam, và là bàn đạp quan trọng để lực lượng vũ trang của ta đột kích vào các cứ điểm quân sự của địch.
Vấn đề an toàn bao giờ cũng là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn địa bàn xây dựng căn cứ của chiến tranh cách mạng. Đòi hỏi này càng trở nên tối quan trọng đối với việc xây dựng căn cứ ở đô thị thuộc vùng địch hậu, hơn nữa, bọn địch ngày càng ra sức tăng cường kìm kẹp, đánh phá, càn quét. Một trận địa trong lòng đất đã được xây dựng với một hệ thống dày đặc các hầm bí mật, có lúc lên tới 157 hầm. Tất cả đều được ngụy trang hết sức tinh vi, kín đáo và rất đa dạng về kiểu cách, kích thước, công năng. Có nơi nhiều hầm được nối thông với nhau tạo thế liên hoàn rất linh hoạt, cơ động. Nhưng điều quan trọng hơn cả là trận địa lòng đất này được bảo vệ trong một thế trận lòng dân giàu truyền thống cách mạng. Nhân dân K20 luôn có ý thức tự giác cách mạng, đoàn kết thành một khối thống nhất, không phân biệt già trẻ, gái trai kiên quyết bám trụ xóm làng, đấu tranh vì mục tiêu giải phóng quê hương. Cứ mỗi lần địch vây ráp, lùng sục, đánh phá, càn quét vào làng là nhân dân, đặc biệt là các mẹ, các chị hiên ngang đứng chặn trước đầu xe, họng súng kẻ thù để đấu tranh, đồng thời cũng rất mưu trí đánh lạc hướng địch và nhanh chóng thông báo cho các cơ sở của ta kịp thời đối phó, bảo toàn được lực lượng. Đi liền với đó, nhân dân rất coi trọng vấn đề “thuần khiết” nội bộ. Vì vậy, dù bọn địch đã bày đủ trò, xuất đủ kế từ lừa bịp mỵ dân, đánh đòn tâm lí cho đến việc sắp đặt cho bọn tề ngụy chui rúc vào hàng ngũ cách mạng của quần chúng không hề lung lay diệt ác trừ tề càng rất sôi nổi. Nhân dân cũng làm tốt công tác địch vận, nên có một số người ban đầu theo địch, sau ngả theo cách mạng; cùng với những đồng chí do ta cài vào hình thành kiểu chính quyền hai mặt rất độc đáo.
Với tất cả những điều đó, khu căn cứ K20 đã tồn tại ngay trong lòng địch và ngày càng phát triển hoàn chỉnh từ chi bộ Đảng, chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang, đội quân chính trị mạnh để bảo vệ vùng đất “thép” và tấn công địch.
Tiêu biểu là trận đánh vào sân bay Nước Mặn ngày 28/10/1965. Đây là trận đánh do lực lượng vũ trang Thành đội Đà Nẵng thực hiện. K20 được chọn là nơi cất dấu vũ khí, đạn dược và điểm tập kết của đơn vị lính đặc công. Công tác chuẩn bị diễn ra tuyệt mật tại căn cứ cho đến giờ nổ súng. Kết quả là ta tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm lính Mỹ, phá hủy và làm hư hỏng nhiều phương tiện chiến tranh, trong đó có nhiều máy bay lên thẳng. Ngay ngày hôm sau địch điên cuồng cho quân càng vào làng, cày ủi, đập phá tại ngôi chùa Khuê Bắc. Trước sự đấu tranh kiên quyết, khôn ngoan của quần chúng K20, Nguyễn Chánh Thi – Trung tướng Tư lệnh Vùng I chiến thuật phải lệnh cho thuộc quyền đáp ứng yêu cầu của nhân dân và cho người tiến hành sửa chùa, đúc tượng.
Một sự kiện chính trị hết sức đặc biệt của quần chúng K20 diễn ra ngày 8/9/1969, tại chùa Khuê Bắc. Đó là buổi lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Giữa vùng vây kẻ thù, buổi lễ vẫn được tổ chức rất trịnh trọng, trang nghiêm và an toàn như thể đang diễn ra ở vùng giải phóng. Trong buổi lễ, bà con còn được nghe cán bộ đọc bản Di chúc của Bác. Họ đã khắc cốt ghi xương lời dạy của Người: “Quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.
Mùa Xuân năm 1975, trong không khí sục sôi của những ngày Tổng tấn công và nổi dậy giải phóng miền Nam, sáng ngày 29/3/1975 nhân dân K20 phối hợp với lực lượng vũ trang Quảng Đà đồng loạt nổi dậy và tấn công vào tất cả các cơ sở của Mỹ ngụy trên địa bàn. 9 giờ sáng ngày 29/3/1975 cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được cắm trên sân bay Nước Mặn, báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của quân dân khu căn cứ, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc với vai trò và chức năng là một căn cứ kháng chiến trong lòng địch.
Ngày nay, các hầm bí mật ở nhà ông Huỳnh Trưng, nhà bà Nguyễn Thị Hải, nhà thờ Bà Nhiêu, nhà thờ tộc Nguyễn, nhà ông Nguyễn Lý… vẫn được bảo tồn; đặc biệt chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng được Nhà truyền thống trưng bày nhiều tài liệu hiện vật có giá trị tiêu biểu, là những trang sách lịch sử sống động phản ánh rõ nét truyền thống cách mạng anh hùng của nhân dân K20 phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Trần Thị Nguyên
BQL Khu DLTC Ngũ Hành Sơn