Bình yên vùng quê Cách mạng K20

           Trong tiết giao mùa Đông đi Xuân lại đến của đất trời, vùng quê cách mạng xưa càng thêm rộn ràng, tấp nập trong diện mạo mới. Tôi cảm nhận được điều đó qua từng ánh mắt, nụ cười của bà con nhân dân nơi đây trong buổi gặp gỡ tất niên cuối năm. Chúng tôi những công dân ngụ cư tại Khu Nam Việt Á, sinh hoạt chung cùng bà con khu di tích cũng thấy bồi hồi cảm xúc như đang ở chính quê hương bản quán. Có lẽ cảm giác gần gủi đó không gì khác chính là hằng số văn hóa quần cư của cộng đồng, là truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của các thế hệ ông/bà tổ tiên mà mỗi người Việt luôn có.

Anh Đỗ Dũng – Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu du lịch Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, kiêm Tổ trưởng Tổ quản lý Khu căn cứ cách mạng K20 cho biết: K20 là tên gọi do Quận ủy Quận 3 (Đà Nẵng) đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Nơi đây còn lưu giữ những tài liệu, di vật, hiện vật và hệ thống hầm bí mật trong kháng chiến chống Mỹ, có giá trị minh chứng lịch sử về một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất ngay trong lòng địch của cán bộ và nhân dân K20 thành phố Đà Nẵng. Năm 2010 Khu căn cứ cách mạng K20 được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Hiện nay, Khu căn được thành phố Đà Nẵng đầu tư chỉnh trang, nâng cấp khang trang nhưng vẫn giữ được nét đẹp hiền hòa, từ những rặng tre bao quanh bên dòng sông Cổ Cò duyên dáng, yên ả của một vùng quê xưa,cho đến môi trường, không gian sống, cảnh quan sinh thái hữu ích thân thiện, truyền thống của làng quê xưa gần như nguyên vẹn. Thật khó mà tìm được nơi nào còn lưu giữ được những cảnh quan ấy trong một đô thị đang thay đổi từng ngày.

    Anh Đỗ Dũng, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Khu du lịch Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, kiêm Tổ trưởng Tổ quản lý Khu căn cứ cách mạng K20 chụp ảnh lưu niệm với Đoàn tham quan Chi hội phụ nữ công an thành phố Đà Nẵng

            Được biết, trong định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng về phía Đông – Nam, mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI đã xác định, có nhiều dự án đã và đang được triển khai nhằm phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Khu di tích chính là một trong những tiêu điểm trong tổng thể không gian đó. Cũng theo Anh Đỗ Dũng, từ khi bàn giao Khu di tích cách mạng K20 cho Ban Quản lý Khu du lịch Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn quản lý (tháng 4/2016) đến nay Khu di tích K20 đã đón tiếp, phục vụ miễn phí hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Di tích cũng là điểm đến thực tế của học sinh, sinh viên các cấp học trên địa bàn Thành phố, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng quê hương. Kết quả đó là sự tự hào và là động lực để nơi đây sẽ phát triển thành một điểm đến thú vị trong bản đồ du lịch Thành phố.

Chúng tôi, cũng như bà con nhân dân trong khu di tích luôn tin tưởng Thành phố, quận Ngũ Hành Sơn và trực tiếp là Tổ quản lý Di tích tiếp tục có những định hướng, chủ trương, cách làm mạnh mẽ hơn nữa để vùng quê cách mạng một thời khói lửa oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, trở nên hiền hòa, thanh bình, đáng sống, đáng tự hào và quan trọng hơn vùng căn cứ trong lòng đô thị là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai mà không cần phải sao chép nguyên vẹn mô hình từ đâu đó, hiện đại chính là truyền thống, là văn hóa, là lòng tự hào về truyền thống đấu tranh giành độc lập, tự do để các thế hệ hậu sinh không thấy mình bơ vơ, lạc lõng, nhỏ bé, dễ tổn thương trên chính mảnh đất của mình trong một tương lai không xa.

            Việc công nhận xếp hạng di tích, tiến tới từng bước tôn tạo và phát huy tác dụng của khu di tích này chính là sự khẳng định, nâng niu và trân trọng các giá trị lịch sử quý báu của cha, ông. Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng những mất mát hy sinh, những hành động anh hùng của nhân dân khu căn cứ lõm K20 sẽ mãi mãi để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong tiến trình phát triển của địa phương, của đất nước. Mãi mãi là niềm tự hào ngưỡng mộ sâu sắc của các thế hệ kế thừa, những lớp con cháu hôm nay và mai sau.

Văn Chung